Bác sĩ BV Hồng Ngọc: Chỉ 30 phút từ khi hút điếu thuốc cuối cùng, cơ thể đã nhận được ''hàng tá'' lợi ích sức khỏe

Nhiều người thắc mắc khi bỏ thuốc lá, phổi của họ liệu có trở về khỏe mạnh như trước kia hay không? Đây là câu trả lời của chuyên gia.

Thuốc lá chứa hơn 100 chất độc hại, khí cháy khi đi vào cơ thể sẽ phá hủy các lông mao của phổi và gây tổn thương các cơ quan phổi, hút càng lâu thì phổi càng bị tổn thương. Và việc hút thuốc lá thường xuyên có thể khiến người ta nghiện và rất khó bỏ.

Có một số người có ý chí kiên cường đã bỏ thuốc thành công, nhưng cũng có một số người sợ một số phản ứng bất lợi khi bỏ thuốc như ho, khạc đờm và không biết chức năng phổi của mình có được phục hồi hay không. Vậy phổi của người hút thuốc có thể trở lại bình thường sau khi bỏ thuốc lá hay không?

Giải đáp cho câu hỏi này, BS CKII Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa Nội, BV Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh cho biết: Đây thực tế là vấn đề mà rất nhiều người đã, đang hút thuốc và cả người không hút thuốc nhưng có người thân hút thuốc quan tâm.

Bỏ thuốc lá, phổi có hồi phục?

''Chúng ta nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ 30 phút từ khi hút điếu thuốc cuối cùng, cơ thể đã được hưởng rất nhiều tác dụng có lợi mà giai đoạn đầu có thể chúng ta chưa cảm nhận ngay được, chẳng hạn như huyết áp (cao), nhịp tim (nhanh) giảm xuống... và sau 5 năm hoặc 10 năm, nguy cơ mắc phải các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, các mặt bệnh khác liên quan đến ung thư cũng sẽ giảm đi rất nhiều so với những người không bỏ được thuốc lá'', BS. Mạnh chia sẻ.

Khi bỏ được thuốc lá, tiến triển bệnh lý tổn thương phổi sẽ không nặng thêm, theo thời gian, các tế bào biểu mô đường hô hấp, lớp nhung mao sẽ hồi phục dần. Các triệu chứng đường hô hấp cũng trở nên nhẹ đi.

''Các nghiên cứu cho thấy sau khi bỏ thuốc lá 20 năm, phổi của một người có thể phục hồi tương đương như phổi của người không hút thuốc lá''.

Để cai thuốc lá thành công, BS. Mạnh cho rằng cần rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là bản thân người hút thuốc phải xác định được mình nên cai và cần phải cai, nếu còn lăn tăn nhiều vấn đề thì thực sự rất khó để bỏ thuốc lá.

Bác sĩ BV Hồng Ngọc: Chỉ 30 phút từ khi hút điếu thuốc cuối cùng, cơ thể đã nhận được hàng tá lợi ích sức khỏe - Ảnh 2.

''Cai thuốc lá không phải là một việc quá khó khăn nhưng cũng không quá dễ dàng. Có những người đã cai thuốc thành công nhưng có người sau khi cai lại bị tái nghiện. Do đó, bản thân mỗi người hút thuốc lá cần phải xác định tôi cần phải cai thuốc lá và tôi quyết tâm cai''. Yếu tố thứ hai là người cai thuốc cần hạn chế tới những môi trường có thể có yếu tố khơi gợi lại cơn thèm thuốc lá.

Trong những tuần đầu, cảm giác thèm muốn thuốc, trong người bứt rứt, khó chịu thì người cai thuốc cần ăn đồ mềm, đồ dễ tiêu, nhiều hoa quả, rau xanh và ăn đa dạng các loại thực phẩm; chuẩn bị đồ ăn, thức uống, thông thường là kẹo cao su để giảm cảm giác thèm; chú ý uống đủ nước, lượng nước cần cho người cai thuốc lá sẽ cao hơn so với người bình thường (30-50ml/kg cân nặng/ngày. Đồng thời, người cai thuốc lá nên có một chế độ tập luyện thể dục thể thao, chẳng hạn như tập chạy, đi xe đạp, đi bộ... để hạn chế thời gian trống, rảnh rỗi nhằm tránh cơn thèm thuốc lá.

https://ahadep.com/bac-si-bv-hong-ngoc-chi-30-phut-tu-khi-hut-dieu-thuoc-cuoi-cung-co-the-da-nhan-duoc-hang-ta-loi-ich-suc-khoe-20220124150820228.chn