Những ngày gần đây, số lượng ca F0 liên tục tăng mạnh do yếu tố thời tiết chuyển mùa kèm theo đợt không khí lạnh tràn về khiến virus SARS-CoV-2 càng có cơ hội lan rộng. Đặc biệt, thông tin di chứng hậu COVID-19 cũng gây hoang mang không nhỏ cho đại bộ phận người dân ở nước ta. Chính vì vậy, bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) tối hôm qua đã mở một buổi livestream chia sẻ các thông tin hữu ích nhằm động viên, giúp các F0 lạc quan, không hốt hoảng để chống chọi vượt qua mùa dịch này.
Ảnh chụp màn hình
Xuyên suốt buổi livestream có rất nhiều câu hỏi liên quan đến người già, người trẻ và trẻ em nhiễm COVID-19. Trong số đó, bác sĩ Khánh có trả lời một số câu hỏi giúp nhà có trẻ F0 thêm an tâm và sáng suốt khi điều trị bệnh cho trẻ tại nhà.
Trẻ F0 bị nôn thì phải làm gì?
Bác sĩ Khánh trả lời: "Trẻ con bị nôn thì nên cho uống oresol, còn nếu trẻ đang bú mẹ thì hãy cho bú nhiều. Cứ mỗi lần nôn lại cho trẻ bú một lần, nếu trẻ không bú mẹ nữa thì sau mỗi lần nôn lại cho uống sữa hoặc oresol để bù điện giải, tránh mất nước".
Trẻ F0 sốt cao phải chườm nóng hay chườm mát?
Bác sĩ Khánh trả lời: "Phải chườm mát chứ mọi người! Chườm mát ở hai bên bẹn, chườm ở trán và hai bên nách. Vì những vùng này da mỏng và có nhiều mao mạch nên dễ lưu thông nhiệt độ đi khắp cơ thể. Còn chườm ấm khi bị sốt cao rất dễ gây sốc nhiệt, ủ nóng cơ thể trẻ".
Nếu trẻ F0 không sốt, không ho, chơi bình thường mà nồng độ oxy lại báo không ổn thì có cần đưa trẻ đi bệnh viện?
Bác sĩ Khánh trả lời: "Nếu trẻ vẫn chơi, ngủ bình thường thì không có lý do gì phải đưa đi viện. Nhiều khi cái kẹp oxy có thể đo sai số do trẻ cần ngồi yên trong lúc kẹp để máy báo được kết quả chính xác. Tóm lại, các thông số chúng ta đo chỉ là một phần, nếu trẻ vẫn ăn tốt, chơi tốt, vận động bình thường thì không có lý do gì phải đưa trẻ đi viện cả".
Trẻ F0 bị chảy máu mũi, không rửa được mũi có sao không?
Bác sĩ Khánh trả lời: "Không sao, nếu trẻ bị chảy máu mũi thì không nên rửa mũi, chỉ cần súc họng sạch sẽ là được".
Trẻ F0 chưa tiêm vắc xin, sau bao lâu khỏi bệnh thì được tiêm lại?
Bác sĩ Khánh trả lời: "Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ trên 12 tuổi khi sức khỏe đã hồi phục, trở về trạng thái bình thường thì có thể tiêm được ngay. Còn cẩn thận hơn có thể làm thêm xét nghiệm định lượng kháng thể cho trẻ. Nếu định lượng kháng thể cao thì túc tắc từ từ tiêm, còn nếu bình thường thì tiêm càng sớm càng tốt".
Nguồn: Fanpage Bác sĩ Khánh