Covid-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào tháng 12/2019. Đến nay, dịch bệnh đã lan rộng nhiều thành phố của Trung Quốc, lan ra 30 quốc gia/vùng lãnh thổ. Riêng tại Việt Nam, đã có 16 trường hợp nhiễm Covid-19 được ghi nhận, trong đó hai trường hợp đầu tiên là cha con người Trung Quốc Li Ding (66 tuổi) và Li Zichao (28 tuổi). Song với sự nỗ lực của các y bác sĩ, tính đến 14h30 ngày 20/2/2020, đã có 14/16 trường hợp hoàn toàn khỏi bệnh và được xuất viện. Việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và chữa trị thành công cho các bệnh nhân nói trên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận và đánh giá cao. |
Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị thành công hai ca nhiễm virus Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam
Áp lực từ dư luận
Nhớ lại ngày đầu tiếp nhận hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, Th.S BS Võ Ngọc Anh Thơ - Phó khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ: “Ban đầu nhập viện, người bố bệnh rất nặng cho nên có giai đoạn mình rất căng thẳng. Sau đó, mỗi ngày nhìn thấy bệnh nhân khỏe lên, rồi đã có kết quả âm tính và trở lại với cộng đồng, thật sự đó là điều rất đáng quý”.
Theo BS Thơ, áp lực mà dư luận đè nặng lên chị cũng như đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện tương đối lớn, đặc biệt khi có nhiều thông tin ảo đặt bác sĩ vào trạng thái rất căng thẳng.
“Thật sự mà nói, mình lo lắng bệnh nhân mà có vấn đề gì thì… Nếu chẳng may có bệnh nhân nhiễm Covid-19 tử vong ở Việt Nam thì sẽ rất căng thẳng, dư luận sẽ đẩy mọi người đến một cơn khủng hoảng niềm tin mà mình rất khó phục hồi”, BS Thơ nói và bày tỏ niềm vui khôn xiết khi các bệnh nhân đã khỏe mạnh và khỏi bệnh, chị như được giải phóng ra khỏi mọi áp lực.
Th.S BS Võ Ngọc Anh Thơ
BS Thơ nhớ lại ngày ông Li Ding và anh Li Zichao nhập viện là ngày 22/1/2020 (tức 28 Tết). Ngay lập tức, chị nhận được lệnh điều động vào viện thực hiện nhiệm vụ nên không thể ăn Tết với gia đình như lịch trình mong muốn. Rất may, những người thân trong gia đình và cả những người xung quanh đều rất ủng hộ chị, vì họ hiểu BS Thơ đang làm việc tốt cho cộng đồng. Trong thời gian đầu tiếp xúc, điều trị cho hai bệnh nhân này, BS Thơ cũng tự cách ly mình với gia đình.
“Đó là hai ca đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Lúc đó thế giới chưa xác định được đường lây chính thức, cho nên mình phải cập nhật thường xuyên. Mặc dù được phòng hộ rất kỹ lưỡng nhưng tụi mình vẫn hơi lo lắng, và tự cách ly với gia đình là một giải pháp an toàn”, BS Thơ nói.
Cũng như BS Thơ và nhiều đồng nghiệp khác khi phải đối mặt với dịch Covid-19, BS CKI Nguyễn Ngọc Sang - khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) có những lo lắng trong giai đoạn đầu.
“Trong những ngày đầu mình có chút lo lắng nhưng rồi tự tin hơn, vì đã có sự chuẩn bị rất tốt ở tất cả các khâu, thực tập rất nhiều về việc sử dụng các phương tiện phòng hộ, các kỹ thuật, quy trình chống nhiễm khuẩn. Nhìn thấy sức khỏe của hai bệnh nhân tiến triển tốt mỗi ngày cũng tạo cho mình thêm động lực yên tâm công tác”, BS Sang chia sẻ.
BS CKI Nguyễn Ngọc Sang
Sau tất cả những khó khăn là niềm vui và niềm tự hào
BS CKI Nguyễn Ngọc Sang cho biết thêm, khó khăn đầu tiên khi điều trị cho hai bệnh nhân người Trung Quốc là những bất đồng về ngôn ngữ trong giao tiếp. Lúc mới nhập viện, bản thân hai bệnh nhân chưa nghĩ tới khả năng bị nhiễm Covid-19 nên chưa thật sự phối hợp khi được đề nghị vào phòng cách ly.
“Phải qua quá trình giải thích, trấn an, tư vấn về tâm lý thì hai bệnh nhân mới hợp tác tốt với mình. Đến khi người con xuất viện mà người cha vẫn ở trong phòng cách ly thì lại phát sinh một số khó khăn trong việc giao tiếp với người cha, việc hỗ trợ ông tập một số bài vật lý trị liệu về hô hấp, vận động,…”, BS Sang chia sẻ.
Là một trong những người trực tiếp chuẩn bị phòng cách ly tiếp đón hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên, anh Nguyễn Minh Tâm - điều dưỡng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) kể: “Khi mình nghe thông tin có bệnh nhân vô khoa thì mình nhanh chóng đến chuẩn bị phòng. Mình phải di chuyển các bệnh nhân đang điều trị tại đây sang khu khác, chuẩn bị đón bệnh nhân mới”.
Điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm
Qua truyền thông, dù biết Covid-19 là bệnh truyền nhiễm với tốc độ lây lan nhanh nhưng anh Tâm xác định đã vào ngành này là phải chấp nhận, vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ, không ngại khó. “Mình lo lắng không cũng chẳng làm được gì nên bản thân mình phải cố gắng làm cho đủ, cho đúng những gì đã được tập huấn, từ kinh nghiệm làm mười mấy năm qua”, anh Tâm tự hào nói.
Sau tất cả, khi lần lượt anh Li Zichao rồi đến ông Li Ding xuất viện vào các ngày 4/2 và 12/2, đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều rất vui và hạnh phúc, xen lẫn cảm giác tự hào. Họ đã cách ly sớm và điều trị tốt cho hai bệnh nhân này để ngăn nguồn lây ra cộng đồng, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
“Đặc biệt trường hợp ông Li Ding khá lớn tuổi, có nhiều bệnh nền nghiêm trọng và là bệnh nhân nặng nhất nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, cần sự phối hợp của rất nhiều chuyên khoa: Bệnh nhiệt đới, Hô hấp, Ung bướu, Tim mạch - Tim mạch can thiệp, Dinh dưỡng, Kiểm soát nhiễm khuẩn,…”, BS Nguyễn Ngọc Sang cho hay.
Để vượt qua những áp lực và đi đến thành công đó, bản thân các y bác sĩ phải thường xuyên theo dõi và cập nhật nguồn thông tin chính thống. Đối với những người bên ngoài có thể bị tác động bởi những thông tin sai lệch, các y bác sĩ lại chính là nguồn thông tin chính xác, minh bạch nhất để mọi người nắm bắt và có phản ứng phù hợp.