Bác sĩ hé lộ điều xảy ra với bệnh nhân khi mắc Covid-19
Theo đó, ông Zykov cho biết: “Đây là một tình trạng viêm rất nặng, thường là viêm phổi”.
Theo ông Zykov, các bệnh nhân sau khi bị nhiễm bệnh về mặt lý thuyết phổi có thể bị ảnh hưởng bởi một số di chứng còn lại sau đó. Các thông tin này được tổng hợp từ những quốc gia đã bị đại dịch Covid-19 càn quét.
Ông Zykov nhấn mạnh, sẽ có mối lo ngại về những biến đổi liên quan đến phổi ở người từng mắc Covid-19.
Trước đó, vào đầu tháng 2, các chuyên gia y tế của Trung Quốc đưa ra hình ảnh chụp phổi của một bệnh nhân bị mắc Covid-19. Hình ảnh được công bố trên tạp chí Radiology cho thấy bằng cách chụp cắt lớp vi tính lá phổi của người phụ nữ 33 tuổi nhập viện ở thành phố Lan Châu khi sốt với thân nhiệt 39°C và ho suốt 5 ngày.
Theo tài liệu được công bố, trong bức ảnh đầu tiên có thể thấy vùng mờ như khói mà thuật ngữ trong chụp X-quang gọi là “hiệu ứng kính mờ”. Lần chụp thứ hai, sau đó 3 ngày đã cho thấy rằng khu vực bị tổn thương đang lan rộng rõ rệt (Hình B).
“Dựa trên cơ sở đặc điểm dịch tễ học, các biểu hiện lâm sàng, chụp cắt lớp vùng phổi và các dữ liệu phòng thí nghiệm các bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra”, báo cáo cho biết.
Kết quả chụp phổi của bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: RIA
Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn nữ giới khi mắc Covid-19
Mới đây, một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố trên tạp chí Frontiers in Public Health cho hay, Covid-19 lây nhiễm cho phụ nữ và nam giới như nhau, tuy nhiên nam giới lại mắc bệnh nặng hơn và có tỷ lệ tử vong cao gấp 2,4 lần so với nữ giới.
Các bệnh nhân nhiễm mới Covid-19 vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. Họ không biết đầy đủ lý do tại sao bệnh đối với một số người là một mối nguy hiểm thường trực, trong khi đối với những người khác nó tiến triển ở dạng không có triệu chứng.
Theo giới chuyên gia Trung Quốc, hầu như ngay từ khi bắt đầu đại dịch, rõ ràng người già và người mắc các bệnh nền như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và hô hấp sẽ rơi vào nhóm nguy cơ chính. Đối với người trẻ tuổi căn bệnh này diễn biến ở dạng nhẹ hơn.
Được biết, ngay từ đầu tháng 1 đã ghi nhận xu hướng tỷ lệ tử vong cao hơn ở các bệnh nhân nam so với bệnh nhân nữ. Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng thực tế đó gắn với tình trạng tế bào phổi của “phái mạnh” chứa nhiều phân tử thụ thể ACE2 hơn, mà đây chính là thứ virus sử dụng để lây nhiễm. Theo các tác giả của nghiên cứu, đây chính là lý do khiến virus tấn công nam giới gây hậu quả lớn hơn.
Phân tích dữ liệu cho thấy khả năng nhiễm bệnh của 2 giới là gần tương đương, nhưng khả năng tử vong do Covid-19 và sự phát triển biến chứng trong cơ thể nam và nữ lại khác nhau. Cụ thể, tỷ lệ nam giới trong số các nạn nhân tử vong do Covid-19 là hơn 70%.
Các chuyên gia lưu ý, điều tương tự cũng quan sát thấy ở người dân Trung Quốc từng trải qua dịch SARS năm 2003, khi tác nhân gây bệnh sử dụng thụ thể ACE2 để thâm nhập vào tế bào phổi và những mô khác của con người.
Các chuyên gia cho rằng điểm khác biệt này về bản chất phát triển của Covid-19 phải được tính đến khi dự đoán diễn biến tiếp theo của dịch bệnh cũng như lựa chọn phương pháp điều trị.
Ngoài ra, các nhà khoa học tin rằng để xác định chính xác lý do tại sao Covid-19 lại xảy ra nghiêm trọng hơn ở nam giới thì cần tiếp tục có các nghiên cứu sâu rộng hơn. Tuy nhiên, kết quả thu được là bằng chứng rõ ràng về mức độ tổn thương lớn hơn của nam giới đối với dịch Covid-19, điều này cho phép xác định chính xác hơn nhóm nguy cơ mắc bệnh.
Dịch Covid-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, 212 quốc gia/ vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc. Tổng số người nhiễm bệnh trên thế giới tính đến ngày 29/4 đã vượt quá 3,1 triệu người, trong đó hơn 215 nghìn người tử vong.