Giáo sư Scolyer, Đại học Sydney, tiết lộ ông từng có khối u não nguyên bào thần kinh giai đoạn 4, không thể chữa khỏi. Sau khi tham gia thử nghiệm điều trị bằng phương pháp mới vào tháng 6 năm ngoái, khối u tiêu biến và không tái phát.
"Tôi đã chụp cộng hưởng từ vào ngày 9/5 để tìm dấu vết u nguyên bào thần kinh đệm tái phát, song chưa thấy dấu hiệu này. Tôi không thể hạnh phúc hơn", ông chia sẻ trên trang cá nhân.
Tuyên bố này không đồng nghĩa ông đã khỏi hoàn toàn ung thư. Tuy nhiên, giáo sư Scolyer cho biết ông rất vui mừng vì căn bệnh chưa quay trở lại.
Trước đó, vào tháng 5/2023, khi đang công tác khắp châu Âu để phát biểu tại các hội nghị y tế, Scolyer lên cơn động kinh tại Ba Lan. Ông bay về Australia và được chụp cộng hưởng từ, phát hiện có khối u nguyên bào thần kinh đệm - dạng ung thư não nguy hiểm giai đoạn cuối. Hầu hết bệnh nhân đều không thể sống sót sau hơn một năm.
Thay vì chấp nhận số phận, nhà nghiên cứu bệnh học, hiện là giám đốc của Viện Ung thư hắc tố Australia, đã hợp tác với đồng nghiệp của mình là giáo sư Georgina Long để tự phát triển kế hoạch điều trị giúp chống lại căn bệnh chết người.
"Tôi thấy thật không ổn khi chỉ chấp nhận cái chết mà không thử nghiệm điều gì đó", ông nói.
Giáo sư Richard Scolyer, Đại học Sydney, thử nghiệm phương pháp điều trị ung thư. Ảnh: Richard Scolyer
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp dựa trên liệu pháp miễn dịch, dạy hệ thống miễn dịch của cơ thể cách tấn công các tế bào ung thư. Các công trình cho thấy liệu pháp hoạt động tốt hơn khi liên kết với nhiều loại thuốc trước khi cắt bỏ khối u.
Giáo sư Scolyer trở thành bệnh nhân ung thư não đầu tiên trên thế giới được chữa bệnh bằng cách kết hợp thuốc trị liệu miễn dịch trước khi phẫu thuật. Ông cũng là người đầu tiên được tiêm vaccine cá nhân hóa theo đặc tính khối u, giúp tăng khả năng phát hiện ung thư của thuốc.
Ông cho biết bản thân và các đồng nghiệp tự hào vì đã kiên trì với phương pháp điều trị này, đồng thời nhận định đây có thể là hướng đi tiềm năng, xứng đáng để thực hiện các nghiên cứu chính thức trong tương lai.
Hiện nay, khoảng 300.000 người trên thế giới được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào thần kinh đệm mỗi năm. Các chuyên gia hy vọng công trình của giáo sư Scolyer sẽ là tiền đề cho các thử nghiệm lâm sàng với những bệnh nhân khác, có khả năng kéo dài sự sống cho họ.
"Chúng tôi đã tạo ra rất nhiều dữ liệu để làm nền tảng cho bước tiếp theo, nhờ đó có thể giúp đỡ nhiều người hơn", giáo sư Long cho biết.
Cả giáo sư Scolyer và Long đều được vinh danh là Người Australia của năm vì công trình điều trị khối u ác tính.