1. Uống nhiều nước
Khi bị cảm lạnh, đường hô hấp sẽ có nhiều chất nhầy hơn, chúng dần trở nên đặc và khó khạc ra ngoài. Để khắc phục được vấn đề này, việc uống nhiều nước là cực kì cần thiết. Uống khoảng 8 cốc nước mỗi ngày sẽ hỗ trợ làm giảm sự đặc và dày của chất nhầy trong hệ hô hấp.
2. Ngủ đủ giấc
Mất ngủ có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng. Chính vì vậy, khi bị cảm lạnh, bạn cần ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Nếu cảm thấy ngạt mũi và khó đi vào giấc ngủ, hãy kê một chiếc gối cao để làm xoang mũi được thông thoáng.
3. Dùng nước muối sinh lý
Chất nhầy đặc trong xoang mũi khiến bạn cảm thấy khó thở và khó xì mũi hơn. Rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý có thể giúp làm loãng và ẩm chất nhầy, dễ dàng “tống khứ” chúng ra ngoài hơn.
4. Súc miệng bằng nước muối
Nếu bị sưng và đau họng, hãy súc miệng bằng nước muối mỗi ngày để giảm viêm và giảm đau. Bạn hoàn toàn có thể tự làm nước muối tại nhà bằng cách hòa nửa thìa cà phê muối vào 240 ml nước ấm.
5. Ngậm một thìa mật ong
Cổ họng của chúng ta rất nhạy cảm trong mùa đông lạnh. Chính vì vậy, ăn một thìa mật ong hoặc uống nước chanh ấm pha mật ong có thể làm dịu cơn kích ứng ở cổ họng và làm dịu cơn ho.
6. Sử dụng máy tạo độ ẩm
Không khí mùa đông thường khô và lạnh, khiến màng nhầy trong xoang mũi càng đặc và khó xì ra hơn. Sử dụng máy tạo độ ẩm có thể giúp làm ẩm không khí, giảm tắc nghẽn và loãng chất nhầy trong mũi.
7. Uống đồ ấm
Uống đồ ấm như nước gừng hay trà có thể giúp làm giảm các triệu chứng đau họng và làm mũi thông thoáng hơn. Nếu sử dụng trà, bạn nên chọn những loại không chừa caffein như trà decaf hoặc trà thảo mộc vì caffein dễ làm cơ thể mất nước.
8. Nạp Vitamin C
Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách sản xuất các tế bào miễn dịch cho cơ thể. Việc bổ sung vitamin C có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cơn cảm lạnh. Bạn có thể bổ sung vitamin C bằng cách uống C sủi hoặc ăn các loại quả có múi như: cam, quýt, bưởi…