Cầu thủ Christian Eriksen của Đội tuyển Đan Mạch bất ngờ đổ gục xuống sân. Ảnh Reuters
Nhìn lại thực tế tại Việt Nam, không ít trường hợp cầu thủ nghiệp dư bị ngừng tuần hoàn trên sân bóng, dù đang ở gần bệnh viện nhưng vẫn không thể sống sót…
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ người ngừng tuần hoàn được cấp cứu tại cộng đồng vô cùng thấp, hầu hết là để yên người gặp nạn nằm đó, chờ người đến hỗ trợ và đưa thẳng lên xe đến bệnh viện mà không được sơ cứu. Số liệu nghiên cứu cho thấy, 71% số người chứng kiến người ngừng tuần hoàn chỉ có 8,4% người được tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Thực trạng này dẫn đến kết quả: Trong số người ngừng tuần hoàn ngoại viện được đưa đến viện chỉ có 3,8% được sống sót ra viện và 0,4% trong đó sống minh mẫn không bị di chứng thần kinh.
Thực tế trên sân cho thấy, vài phút đầu tiên là cực kỳ quan trọng, không được sơ cứu kịp thời, đúng cách thì phòng hồi sức tối tân, nhiều triệu đô la cũng không mang lại mạng sống cho cầu thủ Eriksen. Sau đây chúng tôi xin trình bày lại hướng dẫn sơ cứu người bệnh ngừng tuần hoàn tại cộng đồng.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng ngừng tuần hoàn
Ngừng tuần hoàn là tình trạng nạn nhân có 3 dấu hiệu sau đây:
1. Mất ý thức (Gọi hỏi không biết).
2. Ngừng thở, hoặc thở ngáp cá (Không nghe tiếng thở, ngực, bụng không phập phồng).
3. Mất mạch cảnh (Bỏ qua nếu bạn thực sự không biết mạch cảnh ở đâu).
Kiểm tra mạch cảnh
Cách tiến hành cấp cứu
Gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu 115. Đừng rời xa nạn nhân, hãy tiến hành đánh giá và ép tim ngoài lồng ngực sớm nhất có thể. Tiến hành như sau:
Ngay lập tức đặt nạn nhân nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng (sàn nhà, mặt đất, giường rộng…)
Kiểm tra mạch cảnh của nạn nhân trong vòng 5-10 giây (không kiểm tra quá 10 giây).
Nếu không bắt được mạch cảnh:
Bắt đầu 5 chu kì hồi sinh tim phổi (kéo dài 2 phút) (30 lần ép tim/ 2 lần thổi ngạt)
Bắt đầu ép tim ngoài lồng ngực: Ép tim nhanh và mạnh
1. Ép tim 100 đến 120 lần trong một phút, 30 lần ép tim mỗi 15-18 giây.
2. Đặt lòng bàn tay của bạn vào giữa ngực bệnh nhân, một bàn tay chồng lên bàn tay còn lại, ở vị trí 1/3 dưới xương ức nạn nhân (giữa hai núm vú, với nam giới).
3. Dùng hai cánh tay ép lên ngực của nạn nhân, sâu 5-6 cm. Để ngực nẩy lên hoàn toàn sau mỗi lần nhấn ngực.
1 chu kỳ hồi sinh tim phổi gồm 30 lần ép tim ngoài lồng ngực và 2 lần hô hấp nhân tạo.
Hãy đổi người ép sau mỗi 5 chu kỳ (tương đương khoảng 2 phút).
Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực liên tục không nghỉ Cách khai thông đường thở
Trong trường hợp thời điểm ngừng tuần hoàn không được chứng kiến hoặc ngừng tuần hoàn do chấn thương, đuối nước (có nguy cơ chấn thương cột sống cổ):
Thực hiện động tác đẩy hàm
1. Đặt ngón tay thứ 2-4 vào xương hàm dưới
2. Dùng lực của ngón tay đẩy hàm ra phía trước.
Chỉ được đưa nạn nhân vào bệnh viện gần nhất sau khi bệnh nhân có được tái lập tuần hoàn (bắt được mạch cảnh), việc vận chuyển này phải bằng xe cứu thương chuyên dụng của 115 hoặc của bệnh viện gần nhất.
Nếu thực sự không ngậm miệng để thổi ngạt được thì hãy tiến hành ép tim ngoài lồng ngực liên tục không nghỉ, thay người sau mỗi 2 phút trong lúc chờ nhân viên y tế đến.
Các bước hồi sinh tim phổi cơ bản trên là bước đầu tiên trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho nạn nhân, cần được thực hiện ngay lập tức bởi người chứng kiến, nhằm duy trì tuần hoàn và oxy cho não và các cơ quan khác cho đến khi hồi sức tim phổi nâng cao hoặc các can thiệp khác có thể được tiến hành bởi đội cấp cứu ngoại viện và nhân viên y tế được đào tạo.