"Tôi nghĩ đó là chảy máu do bệnh trĩ, chứ không nghĩ đó là ung thư trực tràng". Khoảnh khắc nhìn thấy kết quả chẩn đoán, Tiểu Lâm (ngoài 20 tuổi, Trung Quốc) hoàn toàn choáng váng.
Nửa năm trước, Tiểu Lâm đến bệnh viện khám vì có máu trong phân. Vốn là người nhút nhát nên cô phản đối khi bác sĩ bảo cần thăm khám trực tràng bằng cách kiểm tra hậu môn. Nghĩ là mình bị bệnh trĩ nên cô đã quyết định không thực hiện bài kiểm tra sức khỏe này mà về nhà tự mua thuốc chữa bệnh trĩ để uống.
Sau khi dùng thuốc, Tiểu Lâm cảm thấy tình trạng bệnh có vẻ đã được cải thiện, nhưng máu trong phân vẫn còn. Không những thế, cô còn hay bị đau bụng. Không ngờ khi đến bệnh viện khám lại, kết quả là ung thư trực tràng!
Xét nghiệm bị bỏ qua: Thăm khám trực tràng
Trong trường hợp của Tiểu Lâm, có 4 từ chủ chốt: "Thăm khám trực tràng". Hầu hết mọi người khi nghe đến thăm khám trực tràng thì đều nghĩ đến "chọc hậu môn". Chỉ nghĩ đến cảnh đó thôi cũng có thể khiến nhiều người chùn bước: "Xấu hổ lắm, đau lắm, tôi không làm đâu". Nhưng thực tế, đây là một cuộc kiểm tra rất quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh về trực tràng.
Đối với thăm khám trực tràng, bác sĩ sẽ đeo bao tay, bệnh nhân nằm nghiêng về bên trái, cúi người về phía trước, tư thế ngồi xổm. Quy trình gồm hai bước:
1. Kiểm tra bên ngoài hậu môn
Bác sĩ dùng ngón tay trỏ sờ quanh hậu môn để tìm xem có khối u, chai cứng hay dấu hiệu gì khác lạ không, đồng thời kiểm tra da hậu môn.
2. Kiểm tra bên trong hậu môn
Bác sĩ bôi một ít chất bôi trơn lên ngón trỏ và vùng hậu môn bệnh nhân, sau đó đưa ngón trỏ vào trực tràng để kiểm tra. Việc làm này có thể phát hiện trực tràng ở khoảng cách 7cm, kiểm tra kích thước của trực tràng, độ căng của cơ vòng, phát hiện có búi trĩ trong trực tràng và ống hậu môn hay không, phát hiện lỗ rò hậu môn...
Đồng thời, thăm khám trực tràng cũng là cách phân biệt bệnh trĩ với ung thư trực tràng đơn giản và hiệu quả, tỷ lệ phát hiện ung thư trực tràng cao tới 75%, là phương pháp khám chủ yếu cho bệnh ung thư trực tràng.
Ngoài việc khám bằng tay, bác sĩ cũng sẽ quan sát bề mặt của bao quấn ngón tay, nếu có mủ hoặc máu thì có thể yêu cầu kiểm tra thêm.
4 triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư trực tràng
Từ trường hợp của Tiểu Lâm, chúng ta có thể rút ra một bài học: Bạn phải cảnh giác nếu cơ thể có biểu hiện bất thường. Chẳng hạn như ung thư trực tràng không phải là không có dấu hiệu báo trước. 4 triệu chứng sau đây có thể là tín hiệu của bệnh ung thư trực tràng.
1. Có máu trong phân
Đi ngoài ra máu, nhiều người lầm tưởng là chỉ có bệnh trĩ hoặc rò hậu môn chứ không nghĩ đến ung thư trực tràng. Khi bệnh đi ngoài ra máu ở giai đoạn nặng, lâu không chữa dứt là dấu hiệu rõ nhất của ung thư trực tràng.
Có một cách để phân biệt. Đối với bệnh trĩ hoặc nứt hậu môn, máu thường chảy ra sau khi đi đại tiện và không trộn lẫn với phân. Trong trường hợp ung thư trực tràng, máu sẽ lẫn với phân và có thể kèm theo chất nhầy không rõ.
2. Hình dạng phân thay đổi
Nếu bạn thấy phân đột nhiên trở thành dải phẳng hoặc bị loãng, đó có thể là do một dị vật đã phát triển trong trực tràng, chèn ép khiến phân bị thay đổi hình dạng.
3. Đi đại tiện bất thường
Có cảm giác "mót rặn, nặng trĩu" khi đại tiện, tức là rất muốn đi đại tiện, nhưng khi đại tiện chỉ thải được một lượng phân nhỏ, luôn cảm thấy vẫn chưa hết phân hoặc cảm giác muốn đi vệ sinh đột ngột biến mất, tình trạng này cũng có thể là tín hiệu của bệnh ung thư trực tràng.
4. Tần suất đại tiện bất thường
Mỗi người đều có kiểu đại tiện riêng. Một số người có thể đi ngoài 1 ngày 1 lần, một số người có thể đi 1 ngày 3 lần, cũng có người 3 ngày mới đi 1 lần hoặc thậm chí 1 tuần 1 lần. Nhưng nếu bạn thấy tần suất thay đổi bất thường, ví dụ đang từ 1 ngày 1 lần trở thành 1 ngày 3-4 lần, bạn phải cảnh giác. Nếu số lần đi đại tiện giảm, mỗi tuần đi dưới 3 lần, hoặc không có ý định đi ngoài trong thời gian dài, phân khô, đó có thể là táo bón mãn tính.