Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành diễn ra tại Hà Nội sáng 16/4, Bộ Y tế nhận định nguy cơ xuất hiện dịch tại nước ta là rất lớn trong bối cảnh bùng phát dịch tại các nước láng giềng và trên thế giới. Trong khi đó, nước ta vẫn tổ chức các chuyến bay giải cứu. Vì thế, việc kiểm soát dịch trong thời gian tới là thách thức rất lớn.
Bộ Y tế liên tục nhắc nhở các địa phương không được lơ là, chủ quan, triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch.
Hiện nay khu vực nóng bỏng nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác đi đến vùng này. Bộ đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng giữ thật vững chắc khu vực biên giới. Việc ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, cách ly đảm bảo là vấn đề đóng góp quan trọng trong kiểm soát dịch trong giai đoạn tới đây.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
"Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng, để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, từ đó lây nhiễm trong cộng đồng đặc biệt nếu là biến chủng của Anh và Nam Phi thì việc kiểm soát cộng đồng rất khó khăn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt là tỉnh có đường biên giới với Campuchia cần hết sức lưu ý vấn đề này. Đồng thời, coi đây là vấn đề trọng tâm. trọng điểm. Đường biên giữa hai nước gần như không có ranh giới, chỉ là các cột mốc, đi lại rất dễ dàng.
Khi phát hiện có người nhập cảnh về cần lập tức báo cho cơ quan chức năng để cách ly ngay. Ban chỉ đạo quốc phòng chống dịch Covid-19 cũng đã có chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.
"Mọi địa phương đều có thể xuất hiện dịch. Chúng ta không thể chắc chắn 100% nơi nào đó sẽ không có dịch”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, tốc độ lây lan của dịch trên thế giới vẫn rất nhanh. Một số quốc gia như Thái Lan đang xuất hiện đợt bùng phát dịch mới, thường liên quan đến hoạt động tập trung đông người như tại quán bar, quán rượu từ thủ đô Bangkok lây lan ra nhiều tỉnh.
Gần đây, tình hình dịch tại Campuchia cũng hết sức phức tạp. Dịch khởi đầu từ ngày 20/2 xuất phát từ khu cách ly tập trung sau đó lây ra cộng đồng. Đến nay, Campuchia đã ghi nhận hơn 4.300 ca mắc, trong những tuần gần đây số ca mắc tăng đột biến.
Trước đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế nhận định, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ Campuchia vào nước ta là ở mức cao. Lý do vì người Việt giao thương, đi lại, sinh sống ở Campuchia rất nhiều. Số người nhập cảnh (kể cả hợp pháp và bất hợp pháp) cũng nhiều.
Trong khi đó, đường biên giới giữa hai nước trên đất liền rất dài, ngoài ra còn có đường hàng không và đường biển. Trong đó, đường biển rất khó kiểm soát.
"Tình hình ở Phnompenh đang rất căng thẳng. Campuchia chưa kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam với tỷ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 chưa cao, nếu để lọt ca bệnh vào thì sẽ dễ bùng phát thành dịch", TS. Phu nhấn mạnh.
Vì thế, ông cho rằng Việt Nam cần tăng cường kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, rà soát đường mòn lối mở, đặc biệt là đường biển, thực hiện nghiêm các quy định về cách ly đối với người nhập cảnh. Nếu không dịch sẽ bùng phát trở lại. Người dân có người thân ở nước ngoài nếu về nước thì nên nhập cảnh theo con đường chính ngạch, để được cách ly, xét nghiệm. Đồng thời, nếu phát hiện tại khu vực mình sinh sống có người nhập cảnh trái phép cũng cần thông báo cho chính quyền địa phương.