Cá là một trong những thức ăn đầu tiên xuất hiện trong bữa ăn của loài người. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, cá luôn giữ vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của con người từ xưa cho đến nay. Nói chung, cá nhiều vitamin D, E, canxi, omega-3, DHA… có lợi cho tim mạch, thị giác, tăng cường hệ miễn dịch, giúp xương chắc khỏe… Các chuyên gia sức khỏe và dinh dưỡng thường khuyến nghị mỗi người nên ăn ít nhất 2 bữa cá, tương đương khoảng 340g cá/tuần.
Tuy nhiên, cũng giống như các thực phẩm khác, tùy thuộc vào mỗi loại cá. môi trường sống và cách chế biến khác nhau mà lượng dinh dưỡng, lợi ích cho sức khỏe cũng thay đổi. Thậm chí, có 4 loại cá chúng ta nên ăn càng ít càng tốt hoặc tốt nhất là không ăn để bảo vệ sức khỏe:
1. Cá khô, cá ướp muối
Trong danh sách các chất gây ung thư do Cơ quan Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, cá muối sau đó phơi - sấy khô được xếp vào loại chất gây ung thư loại 1. Bởi cách chế biến này tạo ra một lượng lớn methyl nitrite trong quá trình sản xuất và một phần trong đó sẽ chuyển hóa thành dimethylnitrosamine, một chất gây ung thư khi đi vào cơ thể. Chất này có nguy cơ cao gây ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày ở người.
Các loại cá ướp muối không nên ăn nhiều vì gây hại sức khỏe (Ảnh minh họa)
Cả cá ướp muối thông thường lẫn cá ướp muối rồi phơi - sấy khô đều chứa rất nhiều natri. Lượng natri trong cơ thể tăng cao sẽ khiến huyết áp tăng, làm vỡ hoặc tắc nghẽn các động mạch, tổn thương nhiều cơ quan khác. Đặc biệt với những người bị huyết áp cao và bệnh tim mạch, khi ăn quá nhiều muối có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, các loại động vật khi chết sau 1 giờ sẽ bị phân giải, đạm bị phân giải sẽ tạo ra histamine (thường xuất hiện với cá biển), nếu bảo quản không tốt lượng histamine càng nhiều, tạo độc tố cao, con người ăn vào sẽ bị dị ứng ngay. Chưa kể trong quá trình phơi sấy, vi sinh, nấm mốc độc hại có thể phát triển trên cá khô. Chất này có thể không gây dị ứng tức thời mà tác hại lâu dài trong 5 - 10 năm sau, thậm chí có thể gây ung thư.
2. Cá tự nặng cân, ngoại cỡ
Có 2 loại cá nặng cân, ngoại cỡ mà chúng ta nên ăn ít. Đó là cá nước ngọt to hoặc nặng bất thường và cá ăn thịt kích thước rất lớn sống dưới biển sâu. Bởi vì cá nước ngọt nặng cân, ngoại cơ thường sống rất lâu mới có được điều này. Trong quá trình sinh trưởng dài trong tự nhiên đó, chúng rất có thể đã sống trong những môi trường không được bảo đảm, nước ô nhiễm, có chứa nhiều chất độc hại…
Bên cạnh đó, nguồn thức ăn của các loại cá này cũng rất phức tạp, khó có thể kiểm soát và biết được rằng liệu chúng có ăn phải những loại tảo, tôm tép hoặc các loại cá nhỏ hơn có chứa độc tố hay không. Chúng cũng tiềm ẩn nguy cơ đột biến, mắc bệnh lạ hoặc tích tụ nhiều loại kim loại nặng, độc tố gây hại cho sức khỏe con người. Chưa kể, nếu là cá nuôi thả có thể do có hormone tăng trưởng…
Một số loài cá biển sâu lớn như cá ngừ, cá hồi… tuy rất tốt và quý nhưng cũng nên ăn vừa phải, không ăn quá nhiều và hạn chế những con kích thước to lớn bất bình thường.
Những loại cá này đứng đầu chuỗi thức ăn trong đại dương, ăn nhiều loại cá nhỏ và các sinh vật biển khác. Trong nước biển có một lượng thủy ngân và các kim loại nặng nhất định, cơ thể của từng loài cá cũng sẽ hấp thụ chúng. Do đó, các con cá ăn thịt lớn dưới biển sâu khi ăn cá nhỏ sẽ vô tình tích tụ thêm vào cơ thể chúng hàm lượng thủy ngân và các kim loại nặng cao hơn.
3. Cá sống, cá tái
Cá sống dưới nước, ăn tạp nên rất dễ bị nhiễm các loại độc tố và vi sinh vật sống trong môi trường nước. Thịt cá nếu không trải qua quá trình chế biến dưới nhiệt độ cao thì các chất độc hại còn lại nhiều. Khi ăn cá sống, các chất độc này tích lũy lâu ngày trong cơ thể có thể dẫn đến nguy cơ mắc dị ứng, tim mạch, suy gan, thận, bệnh về đường tiêu hóa.
Chỉ nên ăn cá sống nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh để bảo vệ sức khỏe (Ảnh minh họa)
Chưa kể, ăn các món sống hoặc chưa nấu chín sẽ dễ khiến sán lá gan xâm nhập vào cơ thể, nhất là khi ăn thủy sản nước ngọt như cá, tôm, ốc… Đây là các loại dễ nhiễm ký sinh trùng do môi trường sống ô nhiễm. Ký sinh trùng có thể lây sang cơ thể người, thậm chí cư trú trong ruột nhiều năm, phát triển tới chiều dài 1 - 2 m và gây ra những hệ lụy khôn lường.
Để bảo vệ sức khỏe, hãy ăn chín uống sôi. Nếu vẫn muốn ăn cá sống, cá tái thì ít nhất hãy chỉ ăn cá từ nguồn uy tín, quá trình chế biến chuẩn - đảm bảo vệ sinh, nên ăn cá sống đã được đông lạnh, không để quá lâu… Rửa tay kỹ trước, sau khi ăn và cũng không nên ăn quá nhiều một lúc, ăn quá thường xuyên.
4. Các chiên, nướng quá lâu/quá nhiều lần hoặc bị cháy khét
Khi nướng, chiên cá nhiều lần hoặc quá lâu, chất béo trong thịt cá sẽ bị oxy hóa một lượng lớn tạo ra các chất có hại như benzopyrene. Đặc biệt là nếu cá bị cháy khét thì lại càng nguy hiểm.
Chất này được WHO xếp vào nhóm chất gây ung thư nguy hiểm hàng đầu. Chỉ cần hấp thụ 1 nanogram benzopyrene cũng có thể làm thay đổi cấu trúc, hướng và chức năng của DNA trong cơ thể con người. Nó không chỉ gây ra ung thư dạ dày mà còn cả ung thư gan và ung thư phổi, tăng nguy cơ suy tim.
Chưa kể, sau thời gian dài chiên/nướng, một lượng lớn protein vitamin, khoáng chất có trong thịt cá dễ bị phá hủy. Từ đó giảm dinh dưỡng, thậm chí biến chất và ảnh hưởng đến sự hấp thụ trong cơ thể con người, dễ làm tăng purin, không tốt cho người bị gút.
Không nên ăn cá bị cháy khét vì có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư (Ảnh minh họa)
Ngoài ra khói xuất hiện trong quá trình nướng sẽ sinh ra một số chất độc hại, ăn nhiều trong thời gian dài có khả năng gây ung thư. Tuy vậy bạn vẫn có thể ăn cá nướng nhưng đừng ăn quá thường xuyên và không nên ăn cá nướng quá lửa, cá chiên đi chiên lại nhiều lần.
Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor, Sohu