Cả gia đình vỡ òa khi que thử thai lên hai vạch
“Khó khăn lắm vợ chồng tôi mới có tin vui, nhưng con chỉ ở trong bụng mẹ được 6 tháng lại bỏ vợ chồng tôi ra đi . Đó là lỗi của tôi. Đến giờ tôi vẫn ân hận lắm”, đó là chia sẻ của thượng úy Ngô Văn Cường (sinh năm 1985) tại Gala “Hạt mầm khát vọng” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Anh Cường và vợ là chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1988) đều là quân nhân chuyên nghiệp, cùng quê Nghệ An. Hai vợ chồng kết hôn từ năm 2014, nhưng đợi mãi không có tin vui nên một năm sau họ quyết định đi khám. Anh Cường được chẩn đoán tắc ống dẫn tinh, xuất tinh nhưng không có tình trùng. Gom góp, vay mượn được chút tiền, hai vợ chồng quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm, với hy vọng có con càng sớm càng tốt. 3 lần chuyển phôi thì 2 lần thất bại, lần thứ 3 cả gia đình nín thở mong ngóng. Kết quả que thử thai lên 2 vạch, cả gia đình vỡ òa trong niềm hạnh phúc.
Hai vợ chồng anh Cường chia sẻ về hành trình tìm con đầy khó khăn của mình.
Cơn đau bụng trong đêm và nỗi đau nối tiếp nỗi đau
Thời gian đầu mang thai, chị Hạnh được đơn vị tạo điều kiện, thời gian ở viện dưỡng thai là chủ yếu. Đến tháng thứ 6 của thai kỳ, sức khỏe có vẻ ổn hơn, chị xin phép chồng cho về nhà vì nhớ chồng, nhớ gia đình. Anh Cường cũng nhớ và thương vợ ở viện một mình nên đồng ý. “Không ngờ đó là quyết định khiến tôi ân hận nhất cuộc đời”, anh Cường nghẹn ngào chia sẻ.
Theo lời kể của anh Cường, tối hôm đầu tiên về nhà mọi thứ đều ổn. Giữa đêm, chị Hạnh gọi chồng: “Anh ơi! Em đau bụng”. Anh Cường bật dậy như biết trước điềm chẳng lành, anh nhìn vợ rồi lập tức gọi xe đưa tới bệnh viện gần nhà nhất. Tại bệnh viện, bác sĩ nói phải chuyển tuyến gấp.
Anh Cường đồng ý. Quãng đường 100km từ quê di chuyển ra TP Vinh, chị Hạnh đau đớn nhưng cố chịu vì sợ chồng lo lắng. “Đường khó đi, sợ vợ đau, tôi bế vợ trên tay suốt quãng đường 100km”, anh Cường kể lại.
Tới bệnh viện tỉnh, bác sĩ đưa vào phòng cấp cứu và nói không thể giữ thai thêm, sẽ nguy hiểm cho cả mẹ. Khi đó anh Cường quay cuồng đầu óc, chẳng nghĩ được gì nhiều. “Anh là chồng, anh phải quyết định đi chứ”, tiếng bác sĩ nói và anh Cường bừng tỉnh, quyết định cho đứa con mới 6 tháng ra ngoài.
Chị Hạnh cho biết hai vợ chồng đã phải chịu quá nhiều nỗi đau, mất mát.
Con chào đời, vợ phải đi hồi sức, anh Cường đưa con sang BV Sản Nhi tỉnh để cấp cứu. Nhận em bé, bác sĩ chỉ nói rằng: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức”. Hai ngày sau đó, anh Cường chạy như con thoi, lúc bên vợ, lúc bên con và anh phải nói dối để vợ yên tâm: “Con ổn em ạ”. Thực tế, em bé khi đó rất yếu, tiên lượng xấu.
“Buổi tối hôm đó, tôi sang với con, sờ chân tay con vẫn còn phản xạ. Tôi còn nói với con rằng: Cố gắng lên con nhé. Bố mẹ tin con sẽ làm được. Vậy mà, nửa đêm bác sĩ nói con tôi đã ra đi. Tôi ngồi thụp xuống hành lang, không dám báo tin cho vợ”, anh Cường kể. Khi vợ khỏe biết chuyện, anh chỉ biết nói câu xin lỗi rồi hai vợ chồng ôm nhau khóc.
Hy vọng được thắp lên với cặp vợ chồng quân nhân xứ Nghệ
Sau biến cố ấy, vợ chồng anh Cường tạm gác việc tìm con, phần vì để nguôi ngoai nỗi đau, phần vì gia đình liên tiếp đón nhận những nỗi buồn khi bố và anh trai chị Hạnh mất vì ung thư, mẹ cũng mắc căn bệnh này, đang điều trị và liên tục phải cấp cứu.
Vì hoàn cảnh đặc biệt này, chị Hạnh đã được lựa chọn là 1 trong 10 gia đình được hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí trong khuôn khổ chương trình “Hỗ trợ Quân nhân hiếm muộn” do Đài PTTH Quân đội và BV Nam học Hiếm muộn và Hà nội tổ chức.
Chị Hạnh chia sẻ với bao nỗi buồn, biến cố đã xảy ra với gia đình, dù mong ước có con vẫn luôn nung nấu nhưng hoàn cảnh khó khăn khiến vợ chồng chị chưa dám nghĩ tới. Nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, hy vọng con yêu sẽ sớm đến với gia đình trong lần thực hiện sắp tới này.
Bác sĩ Việt cho biết các cặp vợ chồng nên đi khám sớm nếu có dấu hiệu cảnh báo vô sinh, hiếm muộn.
Ths.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, trường hợp tắc ống dẫn tinh như anh Cường là nguyên nhân thường gặp dẫn tới vô sinh, hiếm muộn.
Theo bác sĩ Việt, tắc ống dẫn tinh thường do hai nguyên nhân, đó là bản thân tinh hoàn sản xuất tinh trùng hoàn toàn bình thường nhưng do đường dẫn tắc nghẽn. Hoặc người đàn ông bị bệnh bất sản ống dẫn tinh hai bên. Đây là bệnh lý ống dẫn tinh hai bên không phát triển hoàn chỉnh, tinh trùng không thể di chuyển từ tinh hoàn (nơi sản xuất) đến tinh dịch, gây ra vô sinh nam.
Với trường hợp không có tinh trùng do đường dẫn bị tắc với người trẻ, thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đoạn tắc. Sau đó, bác sĩ sẽ nối thông 2 đầu với nhau và nếu thông được, bệnh nhân hoàn toàn có cơ hội có con tự nhiên.
Trong trường hợp người chồng mắc bệnh bất sản ống dẫn tinh hay đường ống không có ống dẫn tinh mào tinh, chỉ có một cách duy nhất là chọc hút mào tinh, lấy tinh trùng ra bên ngoài. Sau đó, tinh trùng này sẽ được kết hợp với trứng của người vợ đem thụ tinh ống nghiệm để có con.
Đại tá Hoa cho biết hiện toàn quân có khoảng 3.000 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Bác sĩ Việt tư vấn, với cặp vợ chồng càng trẻ, việc điều trị, thụ tinh tỷ lệ thành công càng cao. Vì thế, khi hai vợ chồng giao hợp đều đặn, không sử dụng các biện pháp tránh thai, sau 6 tháng (đối với người 0vợ từ trên 35 tuổi) hoặc 12 tháng (đối với người vợ dưới 35 tuổi) mà chưa thụ thai tự nhiên thì nên đi khám để biết nguyên nhân.
Đại Tá Nguyễn Thị Việt Hoa, Chánh Văn phòng Ủy ban dân số gia đình trẻ em Bộ Quốc phòng cho biết hiện nay toàn quân có khoảng hơn 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Với đặc thù thường xuyên phải công tác xa gia đình, thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi biên cương, hải đảo… đứa con chính là sợi dây gắn kết giữa những người lính nơi tiền tuyến xa xôi với hậu phương nơi quê nhà. Vì thế, việc các gia đình quân nhân được hỗ trợ miễn phí trên hành trình có con là điều ý nghĩa.