Chủ quan dễ tàn phế
Vừa qua, sau khi mạng xã hội xôn xao thông tin nhạc sĩ Hồ Hoài Anh lộ vẻ đau đớn, bước đi không vững phải nhờ Lưu Hương Giang dìu đỡ khi đến trường quay ghi hình cho The Voice Kids năm nay, nhạc sĩ đã lên tiếng về sự việc này.
Nam nhạc sĩ cho biết, anh bị thoái hóa cột sống khiến việc đi lại khó khăn. Bệnh của anh cũng không phải mới đây, lúc trước cũng có lần bị phát lên nhưng lần này bị đau nhiều. Do anh đi chơi golf mà không cẩn thận nên mới bị chấn thương.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh
Theo PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – nguyên bác sĩ bệnh viện 103, thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình biến đổi cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và phá hủy sụn và xương dưới sụn, nghiêng về phá hủy. Sự mất cân bằng này có thể bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hóa và chấn thương nhưng không do viêm. Biểu hiện lâm sàng là đau khớp mạn tính có tính chất cơ học, không có biểu hiện viêm.
Thoái hóa cột sống hình thành các gai xương gây chèn ép rễ hoặc tủy thần kinh cột sống. Bệnh thường xảy ra ở các vị trí cơ thể chịu nhiều áp lực như cổ, thắt lưng với các biểu hiện như đau thắt lưng, mỏi cổ, khi nghỉ ngơi đau giảm nhưng tăng khi làm việc, vận động…
Các cơn đau thông thường diễn tiến từng đợt, dài ngắn tùy trường hợp, hết đợt có thể hết đau sau đó lại tái phát đợt khác hoặc đau liên tục tăng dần. Bệnh nặng hơn có thể dẫn tới hiện tượng tê, dị cảm tay, chân... Nếu như người bệnh chủ quan không thăm khám, điều trị kịp thời, đúng cách thì tình trạng đau càng trầm trọng hơn và dễ ảnh hưởng vận động hàng ngày, thậm chí nguy cơ tàn tật.
Ngày càng nhiều người trẻ mắc phải
Theo các chuyên gia, căn bệnh nhạc sĩ Hồ Hoài Anh mắc thoái hóa cột sống là bệnh lý thường gặp ở những người lớn tuổi. Thế nhưng căn bệnh này hiện nay rất nhiều người trẻ dưới 45 tuổi cũng đã gặp phải. Ngoài yếu tố tuổi tác, di truyền, bệnh còn do sai lầm trong chế độ sinh hoạt, làm việc và luyện tập thể dục thể thao.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu cơ xương của Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM đã chỉ ra, cứ 10 người Việt ở TPHCM trên 40 tuổi có 6 người bị thoái hóa xương cột sống. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đo kích thước của 20 đốt sống trên hơn 600 nam và nữ trên 40 tuổi để đánh giá thoái hóa khớp cho từng đốt sống. Kết quả cho thấy 60% người bị thoái hóa cột sống. Nữ giới tỷ lệ mắc cao hơn nam.
Ở các nước Âu Mỹ, những người trên 60 tuổi, cứ 10 người có 8 người bị thoái hóa cột sống. Đáng nói đa phần người bệnh lại không hề biết mình bị bệnh do không có dấu hiệu đặc hiệu.
Để phòng tránh bệnh, trong sinh hoạt hàng ngày mọi người lưu ý tránh thay đổi tư thế làm việc đột ngột, nghỉ ngơi giữa các giờ hợp lý, tập thêm bài tập thể dục… Việc mang vác nặng, chơi các môn thể thao vận động mạnh như bóng đá, tennis... cũng cần chú ý. Ngoài ra, mọi người cần có chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế chất kích thích, bổ sung đủ nước...
Khi có những triệu chứng đau bất thường, mọi người nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tốt nhất, mọi người nên chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ. Trong trường hợp bị bệnh không tự ý dùng thuốc giảm đau, áp dụng các biện pháp điều trị truyền miệng thiếu khoa học vừa gây mất thời gian lại dễ gặp biến chứng.