Chị Vương (Trung Quốc) thường tự làm sữa đậu (làm theo công thức của người Trung Quốc) cho con trai 4 tuổi tại nhà. Một buổi sáng, vì con bị đi học muộn, để tiết kiệm thời gian, chị Vương liền tắt lửa cho con uống ngay khi sữa đậu sôi.
Đến trường chưa được bao lâu thì cậu bé bị khó thở, sau đó bụng đau quặn. Giáo viên nghĩ rằng đó chỉ là cậu bé có vấn đề về tiêu hóa, chỉ cần nghỉ ngơi tại phòng y tế trong trường là được, và không đi khám ngay.
Nhưng tình trạng thể chất của cậu bé ngày càng tệ hơn, bắt đầu nôn mửa và sốc ngay lập tức. Lúc này, cô giáo vội vàng đưa con trai chị Vương đi bác sĩ để cấp cứu nhưng không may đã quá muộn. Sau khi cấp cứu, cậu bé vẫn không qua khỏi.
Chị Vương nghe tin, thất thần chạy đến bệnh viện, ôm thi thể con trai mà gục xuống và khóc thảm thiết. Chị không thể tin được rằng mới lúc sáng còn đưa con đi học mà cậu bé đã đột ngột qua đời.
Đây có lẽ là một cú sốc lớn đối với bất kì người nào làm cha mẹ.
Câu chuyện này không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã xảy ra tại một trường tiểu học ở thành phố Chiêu Khánh (Trung Quốc). Khoảng 9 giờ sáng, học sinh cùng nhau ăn sáng, uống sữa đậu và bánh mì tại trường. Đến 11 giờ, một số học sinh bắt đầu cảm thấy không khỏe với các triệu chứng như nhức đầu, sốt, đau bụng và nôn mửa. Nhà trường đã ngay lập tức đưa các học sinh bị ngộ độc đi bệnh viện điều trị.
Sau khi điều tra, cơ quan công an phát hiện thiết bị nấu sữa đậu không được trang bị nhiệt kế khiến sữa đậu chưa đun sôi kĩ đã được phát cho học sinh.
Sữa đậu chưa sôi kỹ có thể là chất độc
Sữa đậu vốn là loại thức uống được nhiều bậc cha mẹ cho con cái sử dụng mỗi sáng. Dù ngon đến mấy cũng phải đun sôi khi nấu, nếu không thức uống thơm ngon bổ dưỡng này sẽ trở thành “sát thủ” gây ngộ độc, thậm chí là tử vong.
Sữa đậu chưa nấu chín có chứa các chất độc hại như saponin, chất ức chế trypsin… Nếu người ăn phải các chất độc hại này sẽ gây ra các triệu chứng ngộ độc, rất nguy hiểm.
Trong đó, saponin là chất gây tan máu, có thể kích ứng mạnh đường tiêu hóa, gây buồn nôn, nôn, chướng bụng, chóng mặt và các triệu chứng ngộ độc khác. Trường hợp nặng có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Saponin là một chất kháng dinh dưỡng, có thể phá hủy hồng cầu và có tác dụng kích thích dạ dày rất mạnh
Chất ức chế trypsin có thể làm giảm khả năng tiêu hóa protein của dịch vị, gây hại cho cơ thể con người. Tỷ lệ bất hoạt của chất ức chế trypsin trong sữa đậu nành chưa chín kỹ là 40%, không đạt yêu cầu tỷ lệ bất hoạt là 100% nên không an toàn khi ăn.
Đối với trẻ em, chức năng gan chưa phát triển hoàn thiện, khả năng giải độc tố xâm nhập cơ thể thấp. Ngoài ra, cơ chế bảo vệ và sức đề kháng của cơ thể kém xa so với người lớn, một khi bị ngộ độc, các triệu chứng sẽ nặng và nghiêm trọng hơn so với người lớn, ít nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ, nặng nhất là trực tiếp gây tử vong.
Vì vậy sữa đậu cho trẻ uống phải được đun sôi hoàn toàn mới đảm bảo an toàn.
Thực tế, khi sữa đậu tươi được đun sôi đến 80-90 độ C, saponin sẽ nở ra do nhiệt và một lượng lớn bọt trắng sẽ xuất hiện. Nhiều người nhìn thấy vậy tưởng đó là đã sôi, chín. Tuy nhiên, đây chính là hiện tượng "sôi giả" của sữa đậu.
Để sữa đậu đạt độ sôi thực sự, bạn cần tiếp tục đun sữa đậu trong 5 phút sau khi sữa có sủi bọt, đun cho đến khi hết bọt và sôi kỹ thì mới có thể uống được.
Nguồn tham khảo và ảnh: QQ, Sina, Healthline, Tin tức Chiêu Khánh