Chàng trai chăm thể thao nhưng hay mệt mỏi, đi khám bác sĩ thở dài “đã đến giai đoạn chạy thận”

Có một kiểu kiệt sức mà ngay cả khi ngủ cũng không thể khiến tình trạng thuyên giảm, hãy coi chừng các vấn đề về thận.

Bác sĩ chuyên khoa Thận học Trần Tuấn Vũ chia sẻ trong chương trình “The Doctor Is So Spicy” của Đài Loan rằng, để chẩn đoán chính xác tình trạng mệt mỏi mãn tĩnh, tất cả các yếu tố chủ quan và khách quan đều cần được xác định rõ ràng. Nó bao gồm những cơn mệt mỏi liên quan đến ung thư hoặc cơ quan nội tạng có vấn đề.

Trong trường hợp nhẹ, mệt mỏi có thể hết sau khi ngủ, nhưng một số trường hợp nặng có thể khiến bệnh nhân mất ngủ, gặp ác mộng, chán ăn, sụt cân đột ngột. Nhiều người trong số đó mắc các bệnh liên quan tới ung thư hoặc bệnh về gan thận.

Chàng trai chăm thể thao nhưng hay mệt mỏi, đi khám bác sĩ thở dài “đã đến giai đoạn chạy thận” - 1

Bác sĩ Trần chia sẻ trường hợp một bệnh nhân mình từng tiếp nhận, đó là một nam sinh viên 20 tuổi, thường xuyên chơi bóng rổ, cao 1m8. Vì thường xuyên chơi thể thao nên anh nghĩ sức khỏe của mình rất tốt. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, anh thường cảm thấy kiệt sức, thể lực không còn tốt như trước nữa.

Vì chủ quan nghĩ rằng có lẽ do mình mệt mỏi nên anh không quá quan tâm đến tình trạng này. Khoảng 1,2 tháng gần đây, anh thấy nước tiểu của mình nổi nhiều bọt, sau đó biến mất trong 10 phút.

Khi đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ nhận thấy huyết sắc tố của anh chỉ là 6g/dL (bình thường là 14-15g/dL), xét nghiệm creatinin vượt quá 15mg/dL (bình thường dưới 1mg/dL). Điều này cho thấy thận của anh không hoạt động, cần đến bệnh viện lớn để kiểm tra thêm.

Khi kiểm tra kỹ, bác sĩ phát hiện thận của anh có dị tật bẩm sinh, một bên to một bên nhỏ, hình thù kỳ dị. Lúc này, việc phát hiện đã quá muộn, anh bị nhiễm độc niệu, cần phải lọc máu để duy trì mạng sống của mình.

Sau đó, người nhà của anh chia sẻ thêm là anh không có cảm giác thèm ăn suốt 6 tháng qua, nước tiểu có mùi lạ. Đây đều là triệu chứng của nhiễm độc niệu, nhưng vì còn quá trẻ nên anh không chú đến những dấu hiệu bất thường trên cơ thể.

Bác sĩ Trần cho biết thêm, nam sinh viên này buộc phải chạy thận suốt đời nếu không có ai đó đứng ra hiến thận.

Theo thông tin từ khoa Thận tại Trung tâm Y tế Cao Hùng, Đài Loan, khi chức năng thận suy giảm, cơ thể không thể duy trì sự trao đổi chất bình thường. Lúc này, chất thải trong cơ thể không thể đào thải hết qua nước tiểu nên tích tụ lại, gây ra các triệu chứng và biến chứng khác nhau, được gọi là "urê huyết". Nhiễm độc niệu ở giai đoạn đầu không có triệu chứng nghiêm trọng, biểu hiện thường gặp bao gồm mệt mỏi, phù nề chi dưới, giảm lượng nước tiểu, buồn nôn, nôn, chán ăn, ngứa da, khó thở, thiếu máu…

Bác sĩ Trần cũng chia sẻ trong chương trình rằng, mọi người phải chăm sóc thận. Nước tiểu đầu tiên sau khi ngủ dậy hằng ngày sẽ có nhiều bọt, đợi 10 phút mới tan hết thì nên nghi ngờ có bệnh thận. Tiếp theo, khi bộ phận nào đó trên cơ thể bị phù, đặc biệt là ở chi dưới. Đặc biệt, với những người huyết áp cao không rõ nguyên nhân cũng cần chú ý. Triệu chứng thiếu máu cũng cần đặc biệt quan tâm. Khi thận không thể sản xuất đủ hồng cầu sẽ gây ra thiếu máu, kết hợp với huyết áp cao sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi không thể giải thích được.