Theo BSCKI Lê Văn Khoa - Chuyên khoa Tiêu hóa, sau Tết lượng bệnh nhân đến khám, kiểm tra các bệnh lý đường tiêu hóa thường tăng hơn trước Tết.
BS Khoa cho biết, bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến hiện nay và có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt. Đặc biệt, thời điểm năm hết, Tết đến thường xuyên có những bữa tất niên, ăn nhậu không điều độ, không đúng giờ và đây cũng là dịp dễ nạp vào cơ thể những chất có hại cho dạ dày như chua, cay, rượu...
Rượu bia là nguyên nhân gây bệnh tiêu hóa ngày Tết.
Hơn nữa, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, người dân quan tâm ngày đầu năm mới đủ đầy thì cả năm sẽ được may mắn, sung túc nên bữa ăn trong dịp Tết các gia đình thường ăn uống thịnh soạn, đầy đủ hơn.
Theo BS Khoa, việc nạp vào cơ thể quá nhiều chất, ăn uống thất thường do chúc Tết, tiệc tùng và thói quen “chén chú, chén anh” trong mỗi bữa nhậu lại là chất xúc tác làm trầm trọng hơn bệnh lý đường tiêu hóa.
Để đầu xuân năm mới an vui, khỏe mạnh, các chuyên gia tiêu hóa mách bạn hãy bỏ túi những bí quyết sau để gạt bỏ phiền toái “sự cố” của bệnh lý đường tiêu hóa dễ gặp trong dịp Tết:
1. Viêm loét dạ dày
Khi mắc viêm loét dạ dày người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng điển hình như đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn không ngon, rối loạn tiêu hóa... Ngoài các đợt cấp, với viêm loét dạ dày mạn tính có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư nếu không được điều trị.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày như vi khuẩn HP, stress, sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm hoặc do chế độ ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy, để tránh nguy cơ mắc bệnh, người bệnh đặc biệt lưu ý những thói quen dễ gặp trong dịp Tết như ăn không đúng bữa, không điều độ, ăn quá no hoặc quá đói, uống bia rượu.
Nội soi là kỹ thuật đầu tay phát hiện sớm, chính xác các bất thường đường tiêu hoá.
2. Hội chứng ruột kích thích
Là bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất trong số các bệnh lý đại trực tràng - ống hậu môn. Hội chứng này tuy không đe dọa đến tính mạng, nhưng nếu để bệnh kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người bệnh.
Những phiền toái, khó chịu người bệnh hay gặp phải như bụng sôi, đau quặn, đầy hơi, chướng bụng, mót rặn, táo bón hoặc có thể đi ngoài... Một số triệu chứng khác có thể gặp như buồn nôn, ăn nhanh no, nóng ở vùng thượng vị, có cảm giác vướng ở họng…
Các triệu chứng này không đặc hiệu và thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Bởi vậy, để Tết được an vui và tránh xa bệnh, cần kiểm soát được các yếu tố nguy cơ như tránh thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm khó dung nạp lactose, thực phẩm cay; Tránh các đồ uống có ga và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
3. Viêm loét đại tràng
Là một bệnh mạn tính, lâu dài gây viêm ruột. Người mắc viêm loét đại tràng thường có các triệu chứng điển hình như giảm cân, đau bụng, tiêu chảy, táo bón...
Bệnh có những dấu hiệu điển hình như đại tiện ra máu, mót rặn, sốt, sụt cân, đau bụng... và gây ra những biến chứng nguy hiêm như nứt hậu môn, rò và áp-xe hậu môn, hẹp đại tràng, phình đại tràng.
Dịp Lễ/ Tết trở thành nỗi ám ảnh với người bệnh do bị hành hạ bởi các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng, các thức uống rượu, bia, nước uống có ga, cà phê.
4. Tiêu chảy, táo bón
Đây là bệnh lý hay gặp, nhất là trẻ em - đối tượng rất dễ mắc do hệ miễn dịch còn non yếu. Đa số nguyên nhân gây tiêu chảy là do vệ sinh kém, hoặc ăn đồ ôi thiu.
Ngoài ra, việc ăn uống không đều đặn, không đúng giờ, thậm chí là ăn uống qua loa, đặc biệt trẻ em thường ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, các loại thức ăn chế biến sẵn, thói quen lười vận động… là những nguyên nhân chính gây bệnh táo bón nên cha mẹ đặc biệt lưu ý kiểm soát việc ăn bánh kẹo của con.
5. Nhiễm trùng đường tiêu hóa
Nguyên nhân gây tình trạng này là do ăn thức ăn không bảo đảm thực phẩm như ôi thiu gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, rất phổ biến trong ngày Tết.
Phần lớn người bệnh bị nhiễm trùng đường tiêu hóa với biểu hiện đặc trưng là tiêu chảy hay các triệu chứng khác như chán ăn, mệt mỏi.
Vì vậy, để không ảnh hưởng niềm vui của ngày Tết, người dân cần thực hiện ăn uống khoa học, ăn chín, uống sôi, cũng như tránh mất quá nhiều nước trong quá trình bị tiêu chảy hay bị nôn, sốt, hoặc cần đến cơ sở y tế để được xử lý, truyền bù nước kịp thời, tránh để lại hệ quả đáng tiếc.
6. Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường diễn biến thầm lặng, kéo dài. Đặc biệt, việc ăn uống trong dịp Tết thất thường sẽ là tác nhân khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn như do ngày Tết việc đi chúc Tết, thăm hỏi khiến giờ giấc ăn uống của bạn thất thường, nhất là việc dung nạp những đồ ăn ngọt, thực phẩm giàu chất đạm, dầu mỡ, uống bia rượu...
Triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày thực quản là ợ chua, ợ hơi, nóng rát sau xương ức, đau rát họng, vị chua trong miệng. Trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến viêm loét thực quản, nhưng nguy hiểm hơn là ung thư thực quản.
Những việc nên làm
Để các bệnh lý đường tiêu hóa trên không còn là nỗi ám ảnh cũng như để dịp Tết an vui trọn vẹn, khởi đầu cho năm mới khỏe mạnh, vạn sự như ý, BS Khoa lưu ý người dân nên thực hiện lối sống khoa học như sau:
Thực hiện ăn uống khoa học: Ngủ đủ giấc, ăn đúng, chia nhỏ bữa nếu mắc hội chứng ruột kích thích.
Tránh các chất kích thích: Bia, rượu, thuốc lá, trà đặc, cà phê... Tránh ăn các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều đạm; Tránh ăn quá nóng, quá lạnh;
Chế độ ăn giàu chất xơ, thanh đạm, ăn nhiều hoa quả, trái cây, uống đủ nước.
Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều chất béo như phomai, mayonnaise, bánh quy... Không nên cho bé ăn nhiều bánh kẹo, đặc biệt bánh kẹo chảy nước, mốc ẩm cần phải vứt bỏ.
Ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Tập thể dục thường xuyên, vừa sức.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, hoặc tái khám ngay khi các triệu chứng cấp tính hoặc triệu chứng dai dẳng để tránh gây biến chứng nguy hiểm như ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư đại trực tràng.