Gần đây trên chương trình y tế nổi tiếng Đài Loan “The Doctor is Hot”, bác sĩ gan mật và tiêu hóa Ye Bingwei đã khiến nhiều người rùng mình khi chia sẻ câu chuyện 1 nữ bệnh nhân đại tiện ra con sán dây dài cả mét vì ăn thịt bò sống.
Người phụ nữ này rất trẻ, chỉ khoảng 20 tuổi và có vẻ ngoài sành điệu. Cô tìm đến phòng khám ngoại trú của bác sĩ Ye với vẻ mặt vô cùng hoảng hốt, trên tay nắm chặt 1 túi ni lông màu đen.
Cô cho biết, mình bị đau bụng âm ỉ, nhất là vùng rốn, hay đầy bụng, thỉnh thoảng có tiêu chảy. Cơn đau không nghiêm trọng, cũng không nhất quán nhưng dai dẳng suốt 1 tháng không khỏi. Mặc dù cô từng tự mua thuốc uống cũng từng đi khám tại 1 phòng khám đa khoa gần nhà. Cụ thể, bác sĩ tại đó cho biết cô chỉ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ do căng thẳng và ăn uống. Chỉ cần điều chỉnh lại kết hợp với thuốc tiêu hóa là ổn.
Cho đến 1 hôm, đang đại tiện thì cô phát hiện 1 vật dài màu trắng lẫn trong phân. Dù rất hoảng hốt nhưng sau khi tìm hiểu trên mạng thì cô quyết định gắp nó ra từ bồn cầu, rửa sạch, bọc lại cẩn thận rồi mang thẳng đến phòng khám. Bác sĩ Ye kể lại, ngay khi nhìn thấy con sán dây bò màu trắng dài khoảng 1 mét bọc gọn trong tấm vải bệnh nhân mang tới ông cũng thoáng giật mình.
Hóa ra cách đây hơn 1 tháng, cô gái trẻ này đã có 1 chuyến du lịch tới Nhật bản. Sau khi trải nghiệm lần đầu, cô rất mê và nhiều lần ăn món Tataki với thịt bò ướp lạnh và ăn sống cùng nước sốt trái cây. Đó là nguyên nhân khiến ấu trùng sán dây xâm nhập và phát triển trong dạ dày của cô suốt 1 thời gian dài, đạt được kích thước như hiện tại.
Hãy cẩn trọng với sán dây bò khi ăn thịt chưa chín!
Bác sĩ Ye Bingwei cho biết, sán dây bò có tên khoa học là Taenia saginata, thuộc chi Taenia. Nó là loại ký sinh trùng lưỡng tính, sống ký sinh ở ruột người. Về hình thể, sán dây bò có thể ở dạng trứng, nang ấu trùng hoặc sán dây với thân dẹp, màu trắng đục, nhiều đốt nhưng không có bộ phận tiêu hóa.
Khi trâu, bò ăn phải trứng sán, nó sẽ đi vào ruột, nở ra ấu trùng, sau đó xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là “Gạo bò” (cysticercus bovis). Nang ấu trùng sán bò thường hay xuất hiện nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu, bò.
Khi người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống, nang ấu trùng vào ruột người. Sau đó, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.
Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Nhờ đó chúng trưởng thành và có chiều dài 4 -10m.
Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hoá… Vì chúng bò lung tung trong dạ dày nên gây ra đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon. Một số trường hợp còn có các triệu chứng như sụt cân, chóng mặt, đau đầu, thiếu máu hoặc thậm chí là hạ huyết áp…
Đặc biệt, sán gây ra cảm giác ghê sợ khi đốt sán già có thể tự động bò ra ngoài, thường tìm thấy ở mền, chiếu, áo quần. Giống như trường hợp cô gái trẻ vừa kể trên, ký sinh lâu ngày khiến sán dây lớn lên và dần thiếu chất dinh dưỡng, chúng sẽ ngày càng mỏng lại và chui ra khỏi hậu môn khi đại tiện.
Nhưng điều đáng sợ là phần đầu của con sán dây sẽ tiếp tục tách ra để tạo ra các phân đoạn mới. Vì vậy bác sĩ Ye nhấn mạnh rằng muốn chữa khỏi bệnh sán dây thì buộc phải tìm ra cái đầu của nó. Nhiều bệnh nhân phải liên tục mang các đoạn sán đến cho bác sĩ để kiểm tra dưới kính hiển vi xem đã đào thải được phần đầu chưa.
Sán dây ký sinh ở người thường gây bệnh nhẹ, dễ điều trị nhưng để lâu ngày ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống, có khi ảnh hưởng đến cả tính mạng. Vì vậy, tốt nhất là hãy ăn chín, uống sôi. Ngoài thịt trâu, bò cũng nên hạn chế ăn thịt lợn, cá, ngựa… sống vì chúng cũng rất dễ chứa sán dây.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Family Doctor, Eat This