Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân V.H.T (25 tuổi, ở Hà Nội) thường xuyên thấy trong người khó chịu không rõ nguyên nhân.
3 tháng qua, V.H.T. không thấy kinh nguyệt. Đến khám tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cô gái trẻ sốc khi bác sĩ thông báo cô đã bị mãn kinh, suy buồng trứng. Cô gái trẻ hiện vẫn độc thân.
Độ tuổi phụ nữ mãn kinh dao động 40-50 tuổi nhưng đã có trường hợp ngoài 20 tuổi đã mãn kinh.
BS Nguyễn Phúc Hoàn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết cô gái được chỉ định làm xét nghiệm AMH để đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng. Kết quả chỉ số AMH chỉ dưới 0,1 ng/mL, tương đương phụ nữ độ tuổi 50. Trong khi ở độ tuổi của bệnh nhân chỉ số này phải là 2,2-6,8 ng/mL. Nếu chỉ số này dưới 0,5 thì khả năng đậu thai vô cùng khó khăn.
Bệnh nhân đã được tiêm kích trứng, tuy nhiên buồng trứng vẫn không hoạt động. Sau này, cô chỉ có xin trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo BS Hoàn, độ tuổi phụ nữ mãn kinh dao động 40-50 tuổi. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều cô gái trẻ độ tuổi 20-30 đã có biểu hiện mãn kinh sớm không rõ nguyên nhân, suy buồng trứng.
Phụ nữ đi khám vì bị rối loạn kinh nguyệt, đột ngột mất kinh, vòng kinh ngắn bất thường chỉ còn 24-25 ngày, kết hôn mãi chưa có con hoặc đã có một con nhưng muốn sinh thêm con không được.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng có khoảng 9-24% trường hợp cần hỗ trợ sinh sản bị suy giảm buồng trứng. Tại Việt Nam vẫn chưa có số liệu thống kê song số lượng bệnh nhân trẻ tuổi đến khám và phát hiện bị suy buồng trứng ngày càng nhiều.
Khi bị suy giảm buồng trứng sớm, có người sau 1-2 năm đã mãn kinh, có người may mắn kéo dài được vài năm.
Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới, vừa sản xuất hormone sinh dục vừa sản xuất trứng phục vụ quá trình sinh sản. Thông thường, một phụ nữ ở tuổi dậy thì sẽ có 300.000-400.000 trứng. Qua chu kỳ kinh nguyệt hằng tháng, số trứng và nang trứng dự trữ sẽ giảm dần và thường “chạm đáy” ở độ tuổi 45-50, khi đó phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây suy giảm buồng trứng ở người trẻ. Các nghiên cứu gần đây phát hiện nó có liên quan đến yếu tố gia đình. Ngoài ra, những bệnh nhân đang điều trị hóa trị, xạ trị ung thư cũng có thể bị suy buồng trứng hoặc những người lạm dụng bia rượu, thuốc lá, stress kéo dài… cũng có nguy cơ cao hơn người khác.
Cách duy nhất để có thể mang thai là can thiệp hỗ trợ sinh sản càng sớm càng tốt trước khi những quả trứng cuối cùng bị lão hoá, suy thoái.
BS Hoàn khuyến cáo, các trường hợp không may mắc ung thư, có chỉ định xạ trị, hóa trị nên gửi đông trứng, đông phôi trước khi điều trị.
Dấu hiệu mãn kinh bao giờ cũng có rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt thất thường. Chu kỳ kinh dừng đột ngột hoặc ngắn lại, thưa ra, rong kinh, rong huyết... Bên cạnh đó còn có dấu hiệu bốc hỏa thường xuyên, vã mồ hôi từng cơn, nóng bừng, hay cáu gắt, tức bụng dưới. Trong đó, dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt và hay bốc hỏa là 2 dấu hiệu cơ bản nhất.
Để trì hoãn hiện tượng mãn kinh, mọi người nên vui vẻ, có chế độ ăn uống, sinh hoạt tốt, không áp lực và không bị những stress tình cảm. Tích cực sử dụng các thực phẩm giàu hormon sinh dục nữ như: Buồng trứng chuẩn bị đẻ của gà mái tơ, đậu nành, đậu xanh, giá đậu, mầm đậu nành, lạc, vừng, dừa…