Ca bệnh của cô gái trẻ này được Tổ chức cứu hộ y tế Ba Lan Gotowi Do Ratowania đăng tải trên website và Facebook chính thức của mình gần đây. Nó đã làm bùng lên cơn sóng dư luận bởi sự bất ngờ, khó tin và thậm chí là thương cảm cho cô gái.
Ảnh minh họa
Khoảng cuối giờ làm việc buổi chiều, khi các nhân viên y tế tại phòng cấp cứu đang chuẩn bị đổi ca để ăn tối thì có điện thoại gọi đến. Đầu dây bên kia là một phụ nữ trẻ với giọng nói hổn hển, hơi thở đứt quãng và trạng thái tinh thần căng thẳng vô cùng. Cô cho biết, mình muốn được hỗ trợ y tế vì bị tức ngực, đau đớn và không thể thở nổi.
Ngay lập tức, một chiếc xe cấp cứu được điều động đến nhà riêng nơi cô gái đang sống một mình. Sơ cấp cứu cho thấy cô bị mắc dị vật trong cổ họng, tình trạng nguy kịch nên cần đến bệnh viện để thực hiện phẫu thuật gấp.
Chẩn đoán hình ảnh tìm thấy 1 dị vật tương tự như sợi dây dài bị rối và mắc kẹt trong thực quản. Các bác sĩ phẫu thuật cũng phải bất ngờ khi lấy ra 1 sợi dây cáp sạc điện thoại di động dài tới 1 mét.
Hình ảnh sợi dây sạc điện thoại mắc kẹt trong thực quản bệnh nhân (Từ trang Facebook của Gotowi Do Ratowania)
Nhờ phẫu thuật thành công, cô gái đã thoát khỏi cơn nguy kịch trong gang tấc và hô hấp trở lại bình thường. Ngày hôm sau, cô được chuyển sang phòng bệnh thường để theo dõi thêm.
Bất ngờ khi đó không phải là tai nạn
Lúc đầu, cô gái chỉ im lặng và khóc. Mãi đến khi bác sĩ nói rằng có thể cô mắc một chứng bệnh lạ cô mới chịu chia sẻ trường hợp của mình.
Cô cho biết, không hiểu sao mình luôn muốn nuốt những đồ vật ở xung quanh. Hoàn toàn không phải vì cô đói hay đầu óc có gì bất thường. Cô cũng hiểu rằng hành vi đó là sai và gây hại cho cơ thể nhưng không thể dừng lại được. Cô đã từng nuốt nhiều dị vật khác và một vài lần phải đến bệnh viện để lấy chúng ra. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào nguy hiểm như lần này.
Đúng như dự đoán từ bác sĩ điều trị, thực ra cô gái trẻ này mắc một căn bệnh khá kỳ lạ có tên y học là Hội chứng Pica. Khi mắc bệnh này, người bệnh sẽ lặp đi lặp lại hành động ăn, bao gồm nhai hoặc nuốt các đồ vật không phải là thực phẩm.
Pica khác hoàn toàn với những hành vi bình thường của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi đưa đồ vật vào miệng. Vì vậy, một số chuyên gia định nghĩa căn bệnh này giống như sự thèm ăn mất kiểm soát đối với phi thực phẩm, các chất không chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Ảnh minh họa
Đến hiện tại, nguyên nhân chính xác dẫn tới Hội chứng Pica vẫn chưa được các nhà khoa học thống nhất. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra những nhóm người có nguy cơ cao mắc Pica.
Cụ thể, bệnh này thường gặp hơn ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Hoặc dễ xảy ra ở những người mắc các bệnh tâm thần, đặc biệt là rối loạn phổ tự kỷ. Những người bị thiếu máu hay thiếu hụt dinh dưỡng. Nhất là sắt, hematocrit hoặc hemoglobin. Những người sống ở quốc gia có thói quen ăn đất cũng nằm trong danh sách này.
Bác sĩ cũng cảnh báo, một số dạng Pica có thể đe dọa tính mạng. Ví dụ như dị vật quá lớn, đồ vật sắc nhọn hoặc nuốt các vật nhiễm độc, chứa chì… Cần lưu ý một số biến chứng tiềm ẩn của Pica bao gồm:
- Nghẹt thở, rối loạn hô hấp.
- Ngộ độc.
- Gây hại cho não do ăn chì hoặc các chất có hại khác.
- Gãy răng do ăn các vật cứng.
- Loét tiến triển gây hại cho hệ tiêu hóa, chẳng hạn như gây thương tích cho cổ họng và dạ dày.
- Gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như phân có máu, táo bón hoặc tiêu chảy.
- Tắc ruột do thức ăn không được tiêu hóa, gây ứ đọng các thức ăn khác trong ruột.
Với trường hợp của cô gái kể trên, may mắn là cô đã được đưa tới bệnh viện và phẫu thuật kịp thời. Khi lấy ra, sợi dây sạc vẫn còn nguyên vẹn, không đứt đoạn hay han gỉ nên không gây viêm nhiễm, tổn thương nghiêm trọng tới thực quản và các cơ quan khác.
Cô gái cũng được xét nghiệm máu, kiểm tra dinh dưỡng, khám sức khỏe tâm thần và các xét nghiệm chuyên sâu khác để tìm ra hướng điều trị dứt điểm. Nhưng trước hết, việc kiểm soát hành vi Pica sẽ cần đến sự nỗ lực của bản thân cộng với hỗ trợ từ người thân sau khi cô xuất viện.
Nguồn và ảnh: Topick, Lifetimes, Sunday More