Mới đây, một topic trên diễn đàn Zhihu (Trung Quốc) đã chia sẻ về căn bệnh liệt nửa mặt, méo miệng. Sau đó, chủ đề này đã nhận được rất nhiều phản hồi và sự quan tâm từ nhiều bạn trẻ. Trong số đó, một cô bạn có nickname Lạp Lạp Tiểu Mạch đã kể về trải nghiệm "có một không hai" trong chuyến đi chơi cùng bạn bè cách đây vài năm.
Trong kỳ nghỉ đông, Tiểu Mạch cùng bạn bè rủ nhau đi chơi xa. Ở chuyến đi này, nhóm bạn trẻ không quên tận hưởng thời gian vui vẻ và ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
(Nhân vật đứng bên trái, ngoài cùng)
Sau khi dành một buổi sáng ở bảo tàng, Tiểu Mạch cùng nhóm bạn đạp xe dọc theo đại lộ, hôm đó trời rất u ám và nhiều gió. Bỗng nhiên, cô bắt đầu cảm thấy mắt có biểu hiện kỳ lạ, ở mắt phải không thể nhắm được. Lúc này, Tiểu Mạch không hề nghĩ rằng mình đang có dấu hiệu của bệnh liệt dây thần kinh số 7 vì còn quá trẻ để mắc bệnh này. Do đó, cô đã bỏ qua nó và tiếp tục tận hưởng chuyến đi.
Ngay sau khi chụp tấm ảnh trên, một cậu bạn của Tiểu Mạch quay lại và phát hiện miệng cô nhếch lên, cậu ấy còn nghĩ rằng cô bạn đang trêu chọc mình. Cậu bạn nói: "Lạp Tiểu Mạch, cậu đang trêu chọc gì mình đấy à".
"Không, mình không trêu chọc bạn, mình chỉ đang chụp ảnh" - Tiểu Mạch nhớ lại. Lúc này, nhóm bạn mới phát hiện ra sự bất thường trên gương mặt cô bạn của mình, cả nhóm ngay lập tức đưa Tiểu Mạch vào bệnh viện.
Sau đó, bác sĩ xác nhận rằng Tiểu Mạch đã bị liệt nửa mặt - triệu chứng thường gặp của bệnh liệt dây thần kinh số 7. Căn bệnh này mang lại cho cô rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt như khó nuốt, đau nhức trong tai, đau nhức đầu, vị giác kém, khó cười, khó nói, nước mắt, nước bọt tiết ra nhiều một cách bất thường. Không những vậy, nó còn ảnh hưởng tới ngoại hình và khiến cô mất tự tin trong giao tiếp. May mắn là sau 3 tháng điều trị, khuôn mặt của Tiểu Mạch đã khôi phục lại như trạng thái ban đầu.
Theo bác sĩ Nhan Thừa Nghiêu - Phó chủ nhiệm Bệnh viện Y học Cổ truyền Đằng Châu, liệt mặt méo miệng do dây thần kinh số 7 bị chèn ép hoặc viêm, phần lớn nguyên nhân có thể liên quan đến nhiễm virus, nhiễm lạnh, làm việc quá sức, căng thẳng tinh thần, trúng gió… Sau khi chẩn đoán, tùy nguyên nhân khởi phát mà bác sĩ có thể kê đơn thuốc tùy tình trạng bệnh. Kết hợp các bài thuốc Đông y, châm cứu và vật lý trị liệu một tuần sau đó, các triệu chứng nhẹ thường thuyên giảm trong 1 - 3 tháng.
Một số bệnh phổ biến nhất vào mùa đông mà chúng ta cần lưu ý:
Bệnh đường tiêu hóa
Nếu ăn uống không khoa học, các bệnh về đường tiêu hóa vẫn sẽ tấn công bạn như thường. Đặc biệt, không nên ăn thức ăn sống, lạnh vào mùa đông. Món nướng, lẩu đặc biệt được yêu thích và phù hợp với thời tiết mùa đông, tuy nhiên thức ăn cay trong lẩu, các món chiên nướng có thể gây kích thích ruột và hại dạ dày.
Bệnh đường hô hấp
Gió lạnh mùa đông dễ gây tổn thương đường hô hấp, vì vậy mùa đông chúng ta cần bảo vệ đường hô hấp để tránh bị tổn thương. Vệ sinh khoang mũi hàng ngày có thể rửa sạch bụi bẩn trong mũi, ngoài ra còn nâng cao khả năng chịu lạnh của đường hô hấp và ngăn ngừa cảm lạnh.
Bệnh tim mạch
Chúng ta thường nói mùa đông là thời kỳ dễ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não, điều này là do mùa đông chênh lệch nhiệt độ giữa buổi sáng và buổi tối lớn, rất bất lợi cho những bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não, vì mạch máu sẽ bị ảnh hưởng. Trong thời tiết này, khi bị co bóp, lượng máu cung cấp cho tim và não sẽ giảm, nếu không chú ý nghỉ ngơi và chăm sóc sẽ dễ dẫn đến khởi phát bệnh, thậm chí là nhồi máu cơ tim, đột tử và các tai biến khác.
Bệnh da liễu
Vào mùa đông, độ ẩm trong không khí cũng sẽ giảm xuống rất nhiều, mọi người sẽ cảm thấy bề mặt da rất khô, lúc này nếu không kịp thời bôi kem dưỡng ẩm cho da để khóa ẩm cho da, nó sẽ khiến da bị khô, nứt nẻ, thậm chí có thể làm xuất hiện bệnh Eczema, biện pháp chính là làn da phải được cấp nước và giữ ẩm để tránh bệnh chàm bùng phát.
Nguồn và ảnh: Zhihu, 120ask, Sohu