Tối hôm trước khi vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu, ông này uống khá nhiều rượu. Sáng 22/1, ông xuất hiện đau bụng thượng vị, lúc đầu đau âm ỉ, sau đó đau quặn dữ dội, ở nhà tự dùng thuốc giảm đau nhưng không đỡ.
Ngoài uống nhiều rượu, người đàn ông 54 tuổi này còn có thói quen hút thuốc lào nhiều, có tiền sử bệnh gan, tự dùng thuốc Nam ở nhà.
Có kết quả chẩn đoán viêm tuỵ cấp thể phù, nam bệnh nhân tiên lượng dè dặt.
Khi vào viện, bệnh nhân môi khô, khát nước nhiều, có đau bụng thượng vị, bụng cứng, chướng căng, phản ứng thành bụng thượng vị. Kết quả X-quang ổ bụng cho thấy, bệnh nhân có nhiều hơi trong ổ bụng, còn kết quả CT ổ bụng cho thấy bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp thể phù.
Hiện tại, bệnh nhân đang được các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị và chăm sóc, tiên lượng còn dè dặt.
Trong những ngày trước, trong và sau Tết, nhiều bác sĩ ngành Hồi sức cấp cứu, chống độc liên tục đưa ra cảnh báo nguy cơ viêm tuỵ cấp do uống nhiều bia rượu.
Theo BS Đặng Kim Khuê, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy thuộc Bệnh viện Bạch Mai, viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của các cơ quan lân cận cũng như các biến chứng toàn thân. Tần suất mắc vào khoảng 25 - 75 trường hợp/100.000 dân/năm, trong đó 10-30% là viêm tuỵ cấp thể nặng.
Tụy có chức năng nội tiết (tiết insulin, glucagon để kiểm soát đường huyết), một số nội tiết tố khác và chức năng ngoại tiết (tiết các men tiêu hóa để tiêu tinh bột, protein, mỡ)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 loại bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh. Có 8,3% nguyên nhân gây tử vong (gần 33 triệu người chết) liên quan đến rượu, bia.
Nguyên nhân của viêm tụy cấp
- Rượu: Nguyên nhân đầu tiên và thường gặp nhất.
- Tắc nghẽn: sỏi ống mật chủ, u tụy (dạng nang hoặc u ác tính) hay u vùng vater, giun chui ống mật hoặc dị vật...
- Sau phẫu thuật vùng quanh tụy, sau can thiệp nội soi mật - tụy ngược dòng.
- Do chấn thương đụng dập vùng tụy.
- Do rối loạn chuyển hóa như: tăng triglycerid máu, tăng canxi máu.
- Các nguyên nhân khác: Nhiễm vi khuẩn, virus, độc chất hoặc thuốc. (azathioprin, mercaptopurin, tetracyclin, ethylalcol, thuốc trừ sâu phospho hữu cơ...)...
Khoảng 10 - 15% các trường hợp viêm tuỵ cấp không xác định được nguyên nhân.
Triệu chứng lâm sàng của viêm tuỵ cấp
- Đau bụng: chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn thịnh soạn. Đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên.
- Nôn và buồn nôn: thường xảy ra sau đau, nôn xong không đỡ hay hết đau.
- Chướng bụng và bí trung đại tiện: nhất là với các thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp đi ngoài lỏng nhiều lần.
- Khi thăm khám bác sĩ có thể thấy: Bụng chướng nhẹ, phản ứng thành bụng, trường hợp nặng có co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột, các dấu hiệu của nguyên nhân như tắc mật…
Ngoài ra tùy bệnh cảnh bệnh nhân có thể có: rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, sốt, thiểu niệu hoặc vô niệu…
Biến chứng của viêm tuỵ cấp
Viêm tụy cấp nếu không được điều trị sẽ diễn biến rất nhanh, phức tạp đến các biến chứng nặng, có thể xuất hiện suy các cơ quan khác, thậm chí là gây tử vong.
- Sốc: Là một trong những biến chứng sớm xảy ra ở ngay những ngày đầu của bệnh. Sốc ban đầu do giảm thể tích tuần hoàn, sau có thể do nhiễm khuẩn nặng hay do chảy máu. Trường hợp sốc do nhiễm khuẩn nhu mô tụy nặng thường xảy ra muộn hơn.
- Suy đa tạng: Viêm tuỵ cấp có thể dẫn đến suy hô hấp, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu. Các trường hợp có suy tạng tiên lượng nặng; phải điều trị tại các đơn vị điều trị tích cực.
- Hoại tử tuỵ: Diễn biến tiếp theo khoảng 30% các trường hợp viêm tuỵ cấp. Tình trạng viêm gây tắc các mạch máu dẫn đến nhu mô tuỵ hoại tử. Đây là biến chứng nặng, gây hậu quả lâu dài với bệnh nhân.
- Chảy máu: Biến chứng xuất huyết có thể xuất hiện ở ngay tại tuyến tụy, trong ổ bụng, chảy vào trong ống tiêu hóa, do men tuỵ gây tổn thương các mạch máu lân cận. Biến chứng này xảy ra trong vài ngày đến vài tuần sau khi bệnh khởi phát. Tất cả những trường hợp có biến chứng chảy máu đa phần đều có tiên lượng nặng.
- Tắc mạch: viêm tuỵ có thể dẫn đến tắc hệ mạch lân cận như tĩnh mạch lách.
- Các ổ tụ dịch, nhiễm trùng các ổ tụ dịch: Xảy ra ở cuối tuần đầu hoặc đầu tuần thứ hai của bệnh. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành các ổ dịch tuỵ và lan rộng ra các khoang sau phúc mạc, trong các mạc treo ruột. Các ổ tụ dịch này ban đầu vô khuẩn, sau đó có thể bội nhiễm tạo thành các ổ áp-xe.
- Nang giả tụy: Xuất hiện ở tuần thứ 2 hoặc tuần thứ 3 của bệnh, nguyên nhân do quá trình đóng kén để khu trú các tổn thương tại nhu mô tụy. Trong nang giả tụy có chứa các enzym tuyến tụy, các chất dịch và các mảnh vỡ của nhu mô tuyến tụy. Nang này có thể thoái triển hoặc tự dẫn lưu vào đường tụy rồi biến mất sau 4 đến 6 tuần. Nang nếu để kéo dài có thể tiến triển bội nhiễm, chảy máu. Khi nang không thoái triển có chỉ định phẫu thuật dẫn lưu nang.
Điều trị viêm tụy cấp
- Điều trị nội khoa: hồi sức bù dịch, điều trị triệu chứng: giảm đau, giảm tiết, kháng sinh khi có bội nhiễm, chăm sóc… Các trường hợp nặng có suy tạng phải được điều trị hồi sức tại các đơn vị hồi sức tích cực
- Điều trị can thiệp: điều trị nguyên nhân như lấy sỏi qua nội soi mật tuỵ ngược dòng, dẫn lưu các ổ dịch nhiễm trùng dưới siêu âm…
- Điều trị phẫu thuật: mục đích để điều trị nguyên nhân hoặc biến chứng khi các can thiệp khác thất bại.
Chỉ định cắt túi mật nếu có sỏi túi mật (có thể trì hoãn sau khi bệnh ổn định 4 tuần), lấy sỏi ống mật chủ.
Phẫu thuật có thể để điều trị các biến chứng: lấy bỏ tổ chức tuỵ hoại tử, cầm máu khi chảy máu, dẫn lưu các ổ dịch, ổ áp-xe, dẫn lưu nang giả tuỵ. Điều trị dẫn lưu các ổ dịch tuỵ có thể kéo dài và phức tạp.
Dự phòng viêm tụy cấp
- Hạn chế đồ uống có cồn: ngừng uống rượu, bia.
- Phát hiện và điều trị sỏi mật: cắt túi mật, lấy sỏi ống mật chủ qua nội soi tiêu hoá hoặc phẫu thuật, tẩy giun định kì.
- Người bệnh tăng triglyceride cần điều trị giảm mỡ máu và kiểm soát chế độ ăn giảm mỡ.