Rau muống là loại rau rất quen thuộc với người Việt, có giá thành rất rẻ, bán quanh năm. Thế nhưng ở Nhật, 1 bó rau muống 10 cọng lại có giá thành lên tới 100.000 đồng. Vì giá thành đắt đỏ như thế này nên nhiều người Việt ở Nhật dù thích ăn nhưng cũng không dám mua thường xuyên.
Cũng như nhiều loại rau khác, rau muống được người Nhật thích ăn theo kiểu luộc hoặc xào. Hương vị tươi ngon đặc trưng của nó không chỉ riêng người Việt mà người Nhật cũng ngày càng ưa chuộng. Đặc biệt, khi biết được rau muống có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, có lẽ nhiều người sẽ thường xuyên mua loại rau này.
Công dụng của rau muống
Rau muống là thực phẩm có tính kiềm, chứa kali, clo và các nguyên tố khác có tác dụng điều chỉnh sự cân bằng của nước và chất lỏng trong cơ thể. Khi tiêu thụ rau muống, nó có thể làm giảm độ chua của đường ruột, ngăn ngừa chứng loạn khuẩn trong đường ruột, rất tốt trong việc phòng chống ung thư.
Niacin và vitamin C có trong rau muống giúp làm giảm cholesterol, chất béo trung tính, giảm mỡ thừa. Đặc biệt, chất diệp lục của nó còn được mệnh danh là “tiên dược xanh”, giúp làm sạch răng, ngăn ngừa sâu răng, hôi miệng, da khỏe mạnh.
Rau muống cũng rất giàu chất xơ, có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, nhuận tràng, giải độc. Trong Đông y, rau muống có tính mát, nước luộc của nó có tác dụng ức chế sự hình thành của vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng. Đặc biệt vào mùa hè, thường xuyên ăn rau muống sẽ giúp chống say nắng, hạ sốt, thanh nhiệt, giải độc, chống kiết lị.
Hàm lượng protein trong rau muống còn cao gấp 4 lần cà chua, hàm lượng canxi cao gấp 12 lần cà chua.
Những điều cần chú ý khi ăn rau muống?
- Rau muống có tính lạnh, người có thể trạng yếu, phân lỏng, tỳ vị hư nhược, huyết áp thấp không nên ăn rau muống. Thức ăn có tính lạnh như mướp đắng, mồng tơi, măng, hạt kê, đậu xanh, tảo bẹ, giá đỗ, cà chua.
- Vì rau muống có chứa axit oxalic, tốt nhất nên chần qua nước nóng trước khi xào nấu để ngăn chặn axit oxalic kết hợp với canxi trong cơ thể và cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể.
- Một số loại thực phẩm có hàm lượng canxi cao như sữa, hải sản… không nên ăn cùng với rau muống. Vì rau muống chứa nhiều axit oxalic và axit tannic, nếu kết hợp với nhau sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra, canxi kết hợp với axit tannic và axit oxalic tạo thành các chất khó tiêu, sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi của cơ thể, gây nôn, chóng mặt và một số triệu chứng khác.
- Khi xào rau muống, nên ăn ngay khi còn nóng, nếu để lâu trong nồi sẽ dễ chuyển sang màu đen. Do rau muống và nồi sắt tiếp xúc quá lâu sẽ xảy ra phản ứng hóa học, tốt nhất nên thay thế bằng chảo không gỉ.