Theo số liệu thống kê, những năm gần đây số lượng trẻ dậy thì sớm gấp 35 lần so với cách đây 10 năm, nữ bị dậy thì sớm gấp 20 lần nam. Nếu như trước đây, nữ giới thường xuất hiện kinh nguyệt vào năm 15-16 tuổi thì đến nay, tuổi dậy thì của bé gái là 8-13 tuổi, bé trai 9-14 tuổi.
Băn khoăn trước hiện tượng con có dấu hiệu dậy thì sớm, nhiều bà mẹ tự chất vấn rằng, liệu có phải chế độ ăn của con mình? Phải chăng do thực phẩm hay uống nhiều sữa... là nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm?
Trẻ dậy thì sớm thường có tâm lý e ngại hơn so với trẻ khác. Ảnh minh họa
Giải đáp về điều này, theo Ts. Bs Nguyễn Trọng Hưng - Phó khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế (BV Nội tiết Trung ương) thì việc dậy thì sớm ở trẻ sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lối sống, sinh hoạt, ăn uống… tất cả những điều đó đều cộng hưởng và có liên quan với nhau.
- Đối với thực phẩm, nếu cho trẻ sử dụng thực phẩm không khoa học và lành mạnh như ăn quá nhiều đường, đồ ăn nhanh, thức ăn chiên rán nhiều…sẽ khiến cho trẻ dễ bị thừa cân, béo phì và đây chính là tiền đề, yếu tố tác động gây rối loạn chuyển hóa, thúc đẩy trẻ dậy thì sớm.
Tiếp theo là việc sử dụng thực phẩm có dư lượng chất bảo quản. Hiện nay có khá nhiều sản phẩm dạng này và đây cũng là yếu tố nguy cơ gây nên không ít vấn đề cho trẻ, trong đó có dậy thì sớm.
- Lười vận động cũng là một yếu tố tác động tới vấn đề này. Trước đây hầu như ít ai nói đến việc trẻ dậy thì sớm vì khi đó trẻ hoạt động thể lực rất nhiều. Còn hiện nay trẻ rất lười hoạt động thể lực, tiếp cận internet sớm và thường xuyên. Điều này không tốt cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là khi trẻ dễ dàng tiếp cận những "phim đen", ảnh nóng trên mạng.
- Về giấc ngủ, hiện nay giấc ngủ của trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Trẻ được ngủ đủ giấc và ngủ sớm thì mới phát triển toàn diện được. Việc trẻ thức khuya có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, đó là chưa kể nếu thức khuya kèm thêm ăn vặt, xem điện thoại… thì sẽ "hại đơn, hại kép".
Từ những phân tích trên có thể khẳng định rằng, không thể "đổ lỗi" cho thực phẩm làm trẻ dậy thì sớm, mà đó là do rất nhiều nguyên nhân tác động đồng thời. Vì thế, để trẻ phát triển toàn diện, phụ huynh cần cùng con thay đổi thói quen, lối sống, cách lựa chọn thực phẩm…
Nên ăn cân bằng các nhóm chất và đa dạng các loại thực phẩm. Trẻ cần được ngủ sớm và hoạt động thể dục, hoạt động ngoại khóa nhiều hơn thay vì ngồi xem TV, điện thoại thường xuyên.
Trẻ cần làm gì hạn chế tối đa khả năng dậy thì sớm?
Hạn chế cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục. Ảnh minh họa
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bố mẹ nên xây dựng một chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích,..hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao. Lưu ý chọn các thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới sinh lý của trẻ.
Tăng cường vận động: nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá bóng, đá cầu.. không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn ích lợi cho việc trau dồi kỹ năng sống của trẻ.
Hạn chế cho tiếp xúc với estrogen và testosteron: ba mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục.
Nếu bé đang gặp các vấn đề về tăng trưởng chiều cao và phát triển giới tính dậy thì, bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín khám sớm để có sự can thiệp xử lý kịp thời.