Ngày 20/11, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, các bác sĩ Khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi mắc hội chứng Dress – một dạng dị ứng thuốc rất nghiêm trọng có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Cụ thể, bệnh nhi N.H.M (10 tuổi, ở Phú Thọ) được gia đình đưa vào viện với triệu chứng sốt cao liên tục 39,5 – 40 độ C kèm theo xuất hiện nổi ban, bầm tím nhiều vùng trên cơ thể, viêm kết mạc 2 bên mắt, viêm loét miệng họng, phù nề 2 chân và nề mi mắt.
Trẻ xuất hiện nổi ban, nổi vân tím nhiều vùng trên cơ thể khi vào viện. Ảnh: BVCC.
Thời điểm vào viện, trẻ diễn biến bệnh ngày thứ 12, đã được dùng hạ sốt và thuốc theo phác đồ điều trị nhiễm Mycoplasma, viêm mũi xoang cấp. Khai thác bệnh sử sâu hơn được biết, khoảng 1 tháng trước khi nhập viện, trẻ uống thuốc điều trị bệnh lý động kinh do trước đó xuất hiện cơn đau đầu, rối loạn cảm giác.
Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, nhiễm Mycoplasma và suy gan cấp (men gan tăng cao gấp 70 lần so với bình thường) nghi do dùng Paracetamol quá liều.
Tại bệnh viện, trẻ được điều trị 2 loại kháng sinh phối hợp, hỗ trợ thải độc gan, hỗ trợ tế bào gan, bù dịch, truyền huyết tương.
Sau 8 ngày điều trị, hội chứng nhiễm trùng cải thiện tốt, trẻ còn sốt 2-3 lần/ngày với nhiệt độ cao nhất 38 độ C, trẻ còn ho húng hắng nhưng hội chứng suy tế bào gan đã được cải thiện tốt, thời điểm này toàn thân trẻ xuất hiện tình trạng bong da dạng bong vảy.
Trẻ được làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu, trong đó xét nghiệm máu thể hiện tình trạng bạch cầu ái toan tăng cao. Trẻ được chẩn đoán mắc Hội chứng Dress, được bổ sung thuốc Methyprednisolon.
2 ngày sau, trẻ cắt sốt hoàn toàn, triệu chứng toàn thân ổn định. Sau 12 điều trị trẻ được xuất viện.
BSCKI. Bùi Thị Nguyệt Nga – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết, hội chứng Dress (hay còn gọi là hội chứng phát ban phản ứng do sử dụng thuốc) là một trong những tình trạng dị ứng thuốc nghiêm trọng nhất với đặc trưng là tình trạng tăng bạch cầu ái toan gây nhiều triệu chứng toàn thân. Đây là hội chứng hiếm gặp với tỉ lệ gặp chỉ từ 0.0001 – 0.001%; tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 10% trên tổng số ca mắc phải.
Theo bác sĩ Nga, hội chứng Dress nguy hiểm ở chỗ bệnh diễn biến âm thầm và rất khó phát hiện sớm, gây tổn thương toàn cơ thể, đặc biệt là da và cơ quan nội tạng, có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Không tự ý mua thuốc điều trị bệnh tại nhà cho trẻ
Không chỉ trường hợp trên, hiện nay, nhiều người có thói quen điều trị bệnh không cần sử dụng đơn thuốc của bác sĩ mà tự ý mua thuốc về dùng, nhất là cho trẻ nhỏ. Việc làm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hệ lụy khôn lường, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Trẻ bị dị ứng thuốc được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.
Trên thực tế, tại nhiều bệnh viện trên cả nước đã từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp con phải nhập viện do thói quen tự mua thuốc điều trị bệnh tại nhà của người lớn.
Ngay tháng 10/2024, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi 7 tuổi ở Hà Giang nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bố mẹ tự ý mua thuốc để chữa ho tại nhà.
Bệnh nhi đến viện trong tình trạng sốt cao, phát ban nhiễm trùng, nổi mẩn ngứa toàn thân, mệt mỏi, đau vùng thượng vị, khó thở, nhịp tim nhanh, bụng chướng…
Người nhà bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện 5 ngày, trẻ bị ho khan, không sốt, gia đình đã tự mua hơn 11 loại thuốc gồm thuốc kháng sinh, thuốc ho, thuốc kháng viêm để uống.
Sau 1 ngày uống thuốc, bệnh nhi xuất hiện tình trạng đau bụng, sốt gần 38 độ C, mẩn ngứa, phát ban toàn thân. Thấy vậy, gia đình lại tiếp tục cho bệnh nhi uống thêm thuốc chống dị ứng nhưng không đỡ.
Khi khắp người bé nổi nhiều mụn đỏ và ngứa nhiều hơn, bụng đau dữ dội, gia đình đưa con đến khám ở bệnh viện gần nhà, điều trị tại đây không đỡ nên đã chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, sau khi khám lâm sàng, chỉ định làm một số xét nghiệm máu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi phản vệ độ 2. Nguyên nhân dẫn đến phản vệ do dị ứng thuốc, trong đó có 1 số loại thuốc kháng sinh, long đờm, chống viêm, chống dị ứng và 1 số thuốc viên không có tem mác... Do bệnh nhi uống quá nhiều loại thuốc khác nhau nên rất khó xác định chính xác loại thuốc gây dị ứng.
Từ những thực tế trên, các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ nhỏ bị ốm, gia đình cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế và cho trẻ dùng thuốc đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc một cách bừa bãi, đặc biệt với những trường hợp đã được phát hiện dị ứng thuốc trước đó. Điều này góp phần hạn chế tối đa các tình trạng bị dị ứng thuốc và tránh những biến chứng gây nguy hiểm tới tính mạng cho trẻ.