Chị Trịnh năm nay 34 tuổi, sống tại Hồng Kông. Sau nhiều năm nỗ lực quên mình vì công việc, 1 năm trước chị được bổ nhiệm vị trí Giám đốc công ty chi nhánh tại một tập đoàn lớn. Sự nghiệp thành công, vẻ ngoài xinh đẹp, lại được chồng yêu thương hết mực, ai cũng nghĩ rằng chị có cuộc sống hoàn hảo đáng ngưỡng mộ, trong khi sự thật không phải như vậy.
Ảnh minh họa
Chị cho biết, cả 2 vợ chồng đều lớn lên trong nghèo khó nên phải đánh đổi rất nhiều thứ mới được như ngày hôm nay. Ngay từ khi đi học, chị đã phải nhịn ăn nhịn mặc, làm thêm nhiều việc một lúc để trang trải học phí. Bốn năm đầu sau khi kết hôn, 2 vợ chồng cũng chưa dám sinh con để tập trung sự nghiệp.
Không ngờ, đến khi kinh tế đủ đầy, sự nghiệp vững chãi, muốn có con thì lại không được. Theo chị kể, vợ chồng chị dừng các biện pháp tránh thai đã được gần 2 năm. Mặc dù nghĩ "con cái là lộc trời cho" nhưng áp lực từ 2 bên nội ngoại, đồng nghiệp, bạn bè cũng khiến chị vô cùng khổ não.
Hai tháng gần đây, đột nhiên kinh nguyệt của chị Trịnh biến mất. Dù không có thêm bất cứ biểu hiện nào của việc mang thai nhưng 2 vợ chồng vẫn rất vui mừng, đặt lịch tới bệnh viện thăm khám. Không ngờ, kết quả chẩn đoán cho thấy chị bị suy buồng trứng sớm, dẫn tới hiện tượng mất kinh.
Ảnh minh họa
Hơn nữa, vì phát hiện quá muộn nên dù tích cực chữa trị vẫn rất khó có thể mang thai. Vợ chồng chị buồn bã nhìn nhau, mắt chị Trịnh không biết đã đỏ hoe từ lúc nào.
Bác sĩ nhắc nhở 6 nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm
Trưởng khoa Phụ sản tại Bệnh viện Wanfang (Hồng Kông), ông Trương Ân Thành giải thích, suy buồng trứng sớm là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng ở những phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi. Tùy thuộc vào nguyên nhân, suy buồng trứng sớm có thể phát triển ngay từ lúc tuổi dậy thì hoặc cũng có thể là bẩm sinh.
Với trường hợp của chị Trịnh, điều tra bệnh sử cho thấy chị vốn có chu kỳ kinh nguyệt không đều từ khi còn trẻ. Sau tuổi 30, chị vẫn thường xuyên thức khuya làm việc, ăn uống thất thường, uống nhiều rượu bia. Dù có các triệu chứng sớm của suy buồng trứng như đổ mồ hôi, đánh trống ngực vào ban đêm, nhưng cho là lao lực vì công việc nên chị không để tâm.
Trưởng khoa Trương cũng cho biết, có 6 nguyên nhân phổ biến gây suy buồng trứng sớm cần lưu ý, đó là:
1. Di truyền
Suy buồng trứng là 1 bệnh có thể di truyền. Nếu gia đình, người thân có tiền sử bị suy buồng trứng, mắc bệnh về buồng trứng thì tốt nhất nên đi tầm soát sớm.
2. Nhiễm virus
Những loại virus gây bệnh như: virus herpes simplex (HSV), virus gây bệnh quai bị có thể gây viêm buồng trứng hoặc buồng trứng tự miễn làm tổn hại và suy buồng trứng sớm.
3. Từng điều trị một số bệnh
Phụ nữ phải cắt cả hai bên hoặc một bên buồng trứng có thể khiến cho chức năng của buồng trứng bị rối loạn, gây suy buồng trứng sớm trước tuổi 40. Những người từng điều trị virus HPV, ung thư cổ tử cung cũng nên lưu ý.
4. Nạo phá thai
Nạo phá thai dễ gây tổn thương tử cung, rối loạn chức năng buồng trứng và mất cân bằng hormone, dẫn đến suy buồng trứng sớm. Đặc biệt, liên tục nạo phá thai hoặc nạo phá không an toàn còn gây viêm nhiễm buồng trứng, tắc ống dẫn trứng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
5. Nhiễm trùng đường sinh sản
Vệ sinh kém, quan hệ tình dục không an toàn, lây nhiễm bệnh tình dục… đều là nguyên nhân nhiễm trùng đường sinh sản. Nếu để tình trạng nhiễm trùng lan rộng, không được điều trị kịp thời có thể làm suy giảm khả năng hoạt động của buồng trứng, gây suy buồng trứng sớm.
6. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Phổ biến nhất là giảm cân quá mức, rượu bia, thuốc lá hoặc áp lực tinh thần kéo dài. Những thói quen này làm rối loạn chức năng thần kinh thực vật, suy giảm estrogen, khiến kinh nguyệt bị rối loạn, thậm chí có thể bị tắt kinh, suy buồng trứng sớm.
Nguồn và ảnh: Skypost, Woman.tvbs, Asia One