Geeta Vaiwala, 45 tuổi, ở Manchester (Anh) đã vô cùng bất ngờ khi người bạn trai cũ sau một thời gian chia tay đột nhiên gọi điện và khuyên cô nên đi xét nghiệm xem có mắc bệnh tình dục hay không.
Geeta cho biết: “Tôi không ngờ rằng một phụ nữ ở độ tuổi của tôi có thể mắc bệnh tình dục. Khi cả hai còn yêu nhau, tôi chỉ quan tâm tới việc tránh thai bằng cách uống thuốc. Giờ nghĩ lại tôi mới thấy mình đã có một số vấn đề như đau bụng bất thường nhưng lại mau chóng bỏ qua vì cho rằng đó là do biểu hiện của thời kỳ bắt đầu mãn kinh".
Geeta Vaiwala chia tay bạn trai và nghĩ rằng anh đã ra khỏi cuộc đời cô mãi mãi.
Sau cuộc gọi bất thường của người yêu cũ, Geeta đã đi khám và cảm thấy rất xấu hổ. Kết quả chẩn đoán Geeta mắc bệnh chlamydia, bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Anh.
Bệnh chlamydia phát hiện sớm có thể được điều trị bằng kháng sinh. Nếu không được điều trị, nó có thể phát triển thành bệnh viêm vùng chậu và gây thai ngoài tử cung và thậm chí là vô sinh.
Geeta nói: “Tôi không biết nhiều về căn bệnh này cũng như các triệu chứng, tôi ước mình được học nhiều hơn. Tôi sẽ không bao giờ đi xét nghiệm nếu không có cuộc gọi đó".
Người yêu cũ của Geeta bất ngờ gọi điện và khuyên cô nên đi kiểm tra bệnh tình dục.
Bệnh chlamydia có nguy hiểm không?
Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) phổ biến nhất ở Anh. Hầu hết những người bị chlamydia không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào và không biết bản thân mắc bệnh này. Nhưng nếu thấy có các biểu hiện sau đây, bạn nên cảnh giác:
- Đau khi đi tiểu;
- Tiết dịch bất thường từ âm đạo, dương vật;
- Ở phụ nữ có thể có triệu chứng đau bụng, chảy máu sau khi quan hệ và chảy máu giữa các kỳ kinh nguyệt;
- Ở nam giới có biểu hiện đau và sưng ở tinh hoàn;
Nếu bạn cho rằng mình có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc có bất kỳ triệu chứng nào của chlamydia, hãy đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm.
Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su có thể dễ lây truyền bệnh tình dục. (Ảnh minh họa)
Mặc dù chlamydia thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và có thể được điều trị bằng một đợt kháng sinh ngắn, nhưng bệnh có thể nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm.
Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể và dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài, đặc biệt là ở phụ nữ. Ở phụ nữ, chlamydia không được điều trị có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID), mang thai ngoài tử cung và vô sinh.
Ở nam giới, trong một số ít trường hợp, chlamydia có thể lây lan đến tinh hoàn và mào tinh hoàn (ống dẫn tinh trùng từ tinh hoàn), khiến chúng bị đau và sưng tấy, tình trạng này được gọi là viêm mào tinh hoàn.
Đây là lý do tại sao phải đi xét nghiệm và điều trị càng sớm càng tốt nếu bạn nghĩ mình có thể bị nhiễm chlamydia.
Bất cứ ai hoạt động tình dục đều có thể nhiễm chlamydia. Bạn có nguy cơ cao nhất nếu có bạn tình mới hoặc không sử dụng biện pháp an toàn, chẳng hạn như bao cao su, khi quan hệ tình dục.
Bạn có thể ngăn chặn sự lây lan của chlamydia bằng cách:
- Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ;
- Không dùng chung đồ chơi tình dục. Nếu bạn dùng chung đồ chơi tình dục, hãy rửa sạch hoặc bọc chúng bằng bao cao su khi dùng.