Đi ăn sashimi về bị đau họng nhiều ngày, cô gái chẳng ngờ giun bò lổm ngổm trong amidan

Một con giun dài gần 4cm đã trú ngụ trong amidan của cô gái trẻ sau bữa sashimi nhớ đời. Các bác sĩ đã phải dùng nhíp để gắp con giun này ra trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Trang CNN mới đây đã đăng tải thông tin về trường hợp nhiễm giun sán sau khi ăn đồ sống là một cô gái trẻ (25 tuổi) đang sinh sống tại thành phố Tokyo (Nhật Bản). Được biết, 5 ngày sau bữa ăn sashimi (cá sống) cùng nhiều loại hải sản khác nhau tại một nhà hàng thì cô gái này bỗng cảm thấy cổ họng đau rát, khó chịu.

Ngay sau đó, cô gái này quyết định tới khám tại Bệnh viện quốc tế St. Luke thuộc quận Tsukiji, trực thuộc thành phố Tokyo. Qua kiểm tra, các bác sĩ khá bất ngờ khi nội soi thấy trong amidan phía bên trái của cô gái này đang có một con giun dài 38mm (gần 4cm), rộng 1mm bò lổm ngổm. Bác sĩ chẩn đoán con giun này đang phát triển thành ấu trùng ở giai đoạn 4. Bởi khi soi vào lớp biểu bì trong suốt của con giun thấy sắp bong ra khỏi cơ thể, đây là dấu hiệu cho thấy nó đang phát triển rất nhanh.

Đi ăn sashimi về bị đau họng nhiều ngày, cô gái Nhật Bản chẳng ngờ giun bò lổm ngổm trong amidan - Ảnh 2.

Khi hỏi về những bữa ăn trước đó của cô gái này, các bác sĩ đã phát hiện ra con giun này hình thành từ món sashimi mà bệnh nhân vừa ăn mấy ngày trước. Thường thì trong những món đồ ăn sống cần phải đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu người đầu bếp sơ chế không kỹ đồ sống thì nguy cơ giun sán xâm nhập vào đường tiêu hóa, cổ họng, gây ngứa rát họng, đau bụng là rất cao.

Để loại bỏ con giun này trong cổ họng cô gái, các bác sĩ phải dùng nhíp gắp ra. Thật may là sau khi con giun được lấy ra khỏi cổ họng thì cô gái này không gặp phải biến chứng gì, cổ họng cũng cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.

Mối nguy hại tiềm ẩn từ những món ăn sống

Thực tế, có một số món ăn sống nếu bảo đảm trong khâu sơ chế thực phẩm thì chuyện bị ngộ độc hay nhiễm giun sán sẽ rất khó xảy ra. Dù vậy, bạn cũng không nên chủ quan bỏ qua mà cần đặc biệt lưu ý khi ăn những món đồ sống sau đây:

- Sushi và Sashimi: Đây là những món ăn sống nổi tiếng ở Nhật Bản đã trở nên quen thuộc và được nhiều người Việt Nam ưa thích. Việc chế biến cũng đòi hỏi sự cầu kỳ, cẩn thận và yêu cầu vệ sinh rất cao. Tuy nhiên tại nhiều nhà hàng, nếu khâu vệ sinh không được đảm bảo thì những món ăn này lại trở thành hiểm họa khôn lường. Lúc này, các loại vi khuẩn, giun sán, ký sinh trùng từ thực phẩm tươi sống sẽ không bị tiêu diệt mà trái lại chúng còn đe dọa đến tính mạng con người nếu thâm nhập lên não bộ. Thậm chí, đã có trường hợp một người đàn ông ở Trung Quốc bị sán làm tổ khắp người vì lỡ ăn sushi kém chất lượng.

- Tiết canh: Nhiều người cũng khá yêu thích món tiết canh chế biến từ tiết sống lấy từ các loại động vật. Tuy nhiên, tiết canh được chế biến từ những con vật đang mang mầm bệnh trong người rất có thể là nguyên nhân lây nhiễm nhiều loại bệnh, dẫn đến nguy cơ tử vong. Không qua quá trình đun nấu, các virus gây bệnh sẽ vẫn tồn tại và tiếp tục sinh sôi. Có thể kể đến một vài ví dụ như: Ăn tiết canh chó sẽ có nguy cơ mắc bệnh dại nếu máu và thịt của chó đó bị nhiễm virus dại; tiết canh lợn gây ra bệnh liên cầu lợn; ăn tiết canh gà, vịt rất dễ nhiễm virus cúm gia cầm...

Đi ăn sashimi về bị đau họng nhiều ngày, cô gái Nhật Bản chẳng ngờ giun bò lổm ngổm trong amidan - Ảnh 4.

- Nem chua: Trên bàn nhậu hay trong bữa cơm gia đình thường không thể thiếu món nem chua giúp đổi vị, khiến bữa ăn bớt nhàm chán. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo rằng nem chua là một món ăn vô cùng bẩn và độc hại. Nem được làm từ thính, thịt tươi và đa phần được làm thủ công. Trong quá trình chế biến, nem rất dễ bị nhiễm khuẩn từ nhiều nguồn khác nhau như tay người sản xuất, dụng cụ, nơi sản xuất, các loại lá gói nem không được vệ sinh sạch sẽ… Kết quả là người tiêu dùng rất dễ bị mắc những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm tức thời, bệnh sán lợn, liên cầu khuẩn lợn…

- Rau sống: Bên cạnh những món ăn nhiều đạm như thịt, cá, thì rau sống là một phần không thể thiếu giúp bữa ăn trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, do không qua quá trình đun nấu nên các vitamin trong rau được bảo quản nguyên vẹn, ít bị hao hụt đi. Tuy nhiên, việc này cũng có mặt tiêu cực khi các vi khuẩn cũng không bị tiêu diệt mà theo rau đi vào cơ thể chúng ta. Với cách thức trồng rau thiếu an toàn, ngâm rau trong dung dịch thuốc để kích thích tăng trưởng, trừ sâu, giúp rau tươi lâu… của nhiều nhà nông hiện nay, chúng ta hoàn toàn nên hạn chế sử dụng rau sống không rõ nguồn gốc... Theo cảnh báo của các bác sĩ, khi ăn rau sống cần lưu ý nhặt và rửa, ngâm muối sạch sẽ, tránh nguy cơ bị nhiễm giun sán hoặc các ký sinh trùng.

Source (Nguồn): CNN, Ahogekaigai, Mirror