Đồ ngọt có giúp giải toả stress diệu kỳ như bạn tưởng?

Thu nhập giảm, con cái "nói không nghe", chồng lại không biết cách chia sẻ việc nhà, người phụ nữ 30 tuổi liên tục bị stress, buồn bực, bất lực và hay khóc.

Trong thời gian giãn cách xã hội, một số người, đặc biệt là chị em phụ nữ và trẻ em, do ở nhà quá lâu, ít tiếp xúc, giao tiếp xã hội mà thường xuyên "quẩn quanh" những công việc quen thuộc có thể dễ bị căng thẳng, stress. Nhiều người tìm đến đồ ngọt như một "cứu cánh" để giải toả hội chứng tinh thần này.

Suốt hơn 2 tháng ở nhà làm việc và chăm sóc gia đình có 2 con nhỏ, chị Quỳnh Anh (ở Cầu Giấy) nói nhiều lúc "như phát điên". Đã không ít lần chị và chồng lớn tiếng vì mất kiểm soát những chuyện rất nhỏ.

Thu nhập giảm, con cái "nói không nghe", chồng lại không biết cách chia sẻ việc nhà cùng vợ, người phụ nữ 30 tuổi liên tục bị stress, buồn bực, bất lực và hay khóc. Những lúc như thế, chị thường trút giận lên chồng, con bởi chị không thể chia sẻ cùng ai.

Chị cũng tìm đến đồ ngọt như một cách giải tỏa. Ban đầu chỉ vài viên kẹo, thỏi socola, dần dà, chị "đánh chén" hết cả chiếc bánh ngọt, lúc lại que kem mát lạnh. Hậu quả, sau hơn 2 tháng, dù mệt mỏi, căng thẳng, nhưng chị tăng tới 4kg, khiến ai nấy đều ngạc nhiên: Vất vả mà lại béo! Chưa hết ức chế vì giãn cách, chị lại lo lắng làm sao để giảm cân.

Đồ ngọt có giúp giải toả stress diệu kỳ như bạn tưởng? - 1

TS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết thực tế nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với người bị stress.

Hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc ăn nhiều đồ ngọt có thể giúp tinh thần ổn định, bình tĩnh, giảm bớt căng thẳng. Nhưng một chế độ ăn uống quá nhiều đường chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của mỗi người.

Việc thường xuyên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất béo bão hòa và đường tinh chế sẽ tác động tiêu cực đến protein trong não, ảnh hưởng đến tinh thần, làm xuất hiện các triệu chứng lo lắng, đặc biệt là ở đối tượng người cao tuổi (trên 60 tuổi) và ảnh hưởng đến quá trình điều trị ở những người có các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường...

Chế độ dinh dưỡng nhiều chất béo hoặc đường còn có hại cho đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến não bộ.

Theo ThS. Đặng Thị Thanh Tùng, Bệnh viện Vinmec, nhiều nghiên cứu đồ ngọt có thể giúp cải thiện tâm trạng, hỗ trợ giảm stress hiệu quả, vì hormone dẫn đến stress là glucocorticoid sẽ giảm khi ăn đồ ngọt như ăn một ít bánh, ngậm vài viên kẹo.

Tuy nhiên, điều đáng nói, ăn đồ ngọt chỉ là phương pháp hỗ trợ tạm thời, không thể thay thế các phương pháp điều trị nếu một người thường xuyên bị stress và có biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng.

Ăn nhiều đồ ngọt có mối quan hệ mật thiết với cân nặng, chức năng miễn dịch và bệnh trầm cảm. Đồ ngọt tăng nguy cơ mắc bệnh tâm lý. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt gây ra sự mất cân bằng một số chất hoá học trong não. Sự mất cân bằng này có thể dẫn đến trầm cảm, thậm chí làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn sức khoẻ tâm thần ở một số người.

Đồ ngọt cũng ức chế sự tiết cortisol gây ra căng thẳng, giảm thiểu sự lo lắng và căng thẳng. Tuy nhiên, đồ ngọt giúp hỗ trợ giảm căng thẳng tạm thời lại khiến bạn phụ thuộc nhiều hơn vào đường, tăng nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan.

Giải tỏa stress căng thẳng bằng dinh dưỡng ra sao?

Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chế độ dinh dưỡng là chìa khóa kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống. Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh sẽ khiến tình trạng stress kéo dài trở nên tồi tệ hơn. Trong thời gian gặp nhiều áp lực, căng thẳng khi đi học, đi làm, bạn nên ưu tiên những nhóm thực phẩm sau:

- Thực phẩm giàu vitamin C giúp điều hòa huyết áp và nồng độ cortisol trong máu. Vitamin C có nhiều trong ớt chuông, trái cây họ cam chanh, bông cải xanh, súp lơ trắng.

Đồ ngọt có giúp giải toả stress diệu kỳ như bạn tưởng? - 2

- Carbohydrate phức tạp hỗ trợ cơ thể sản xuất serotonin, hormone giúp cải thiện tâm trạng và tạo ra cảm giác hạnh phúc. Carbohydrate phức tạp có trong ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả và các loại rau củ.

- Magne giúp đẩy lùi hiện tượng đau đầu, mệt mỏi do stress. Vi chất này cũng giúp cải thiện giấc ngủ. Nguồn magne dồi dào là rau chân vịt, cá hồi và đậu nành.

- Omega-3 trong các loại cá béo và hạt hạch giúp ngặn chặn hormone căng thẳng tăng cao.

Bên cạnh việc bổ sung thực phẩm giúp giảm stress, bạn nên hạn chế chất kích thích như cà phê, đồ uống có cồn và đường.

Khi căng thẳng, bạn cũng nên nghe nhạc, xem hài kịch và các video hài hước trên mạng để tinh thần thoải mái; dừng việc sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất vài lần trong ngày; tập hít thở sâu giúp tăng lượng oxy cung cấp cho cơ thể; duy trì hoạt động thể lực tại nhà; suy nghĩ tích cực hơn; dành cho mình những khoảng thời gian để tận hưởng cuộc sống; chia sẻ nhiều hơn, đặc biệt cố gắng có giấc ngủ ngon, đủ để giảm căng thẳng.