Công trình nghiên cứu vắc-xin chống lại tuổi già của giáo sư - tiến sĩ Tohru Minamino, Giám đốc y học tim mạch tại Bệnh viện Đại học Jutendo (Tokyo, Nhật Bản), vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Aging.
Trong bài báo cáo, các nhà khoa học cho biết họ đã thử nghiệm thành công trên chuột loại vắc-xin nói trên, bằng cách ngăn chặn các thay đổi thông thường của tuổi tác và các bệnh lý liên quan đến lão hóa của các con vật.
Vắc-xin kỳ diệu từ Nhật Bản hứa hẹn loại bỏ các tế bào già cỗi, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tuổi tác (Ảnh minh họa từ Medical Xpress)
Như mọi vắc-xin khác, vắc-xin chống lại tuổi già của các nhà khoa học Nhật Bản cũng nhằm mục tiêu tăng cường sức mạnh cho hệ miễn dịch.
Trích dẫn nghiên cứu, tờ Live Science cho biết hệ miễn dịch của cơ thể người cũng có khả năng tự nhiên là loại bỏ các tế bào già cỗi, hư hỏng, không sử dụng được nữa. Tuy nhiên đến một lúc nào đó, cơ chế loại bỏ này kém dần đi trong khi tế bào hư hỏng ngày càng nhiều, tích tụ trong cơ thể và gây nên các căn bệnh liên quan đến tuổi tác.
Vì vậy, vắc-xin này sẽ giúp hệ miễn dịch đủ mạnh mẽ để loại bỏ nhiều tế bào già cỗi, hư hỏng hơn.
Giáo sư Minamino cho biết trong thử nghiệm vừa rồi, họ chỉ mới tập trung vào tế bào nội mô mạch máu già, nằm bên trong động mạch, tĩnh mạch và mao mạch, để rồi từ đó xác định loại protein mà vắc-xin hướng đến.
Cuối cùng, họ chọn ra một protein mang tên glycoprotein nonmetastatic melanoma protein B (GPNMB). Tế bào nội mô của các bệnh nhân bị xơ vữa động mạch - một vấn đề liên quan đến lão hóa - mang nhiều GPNMB hơn tế bào người không bệnh. Trong một nghiên cứu trước đó, một protein tương tự cũng xuất hiện trên một số tế bào ung thư.
Do đó, vắc-xin đã được thiết kế để tấn công các tế bào mang nhiều GNPMB. Quả thật, tình trạng mảng bám trong động mạch những con chuột thí nghiệm đã giảm đi nhanh chóng. Nhiều vấn đề liên quan tuổi tác khác cũng được cải thiện, khiến các con chuột già này nhanh nhẹn, hoạt bát lên thấy rõ.
Trong một bước thử nghiệm khác, các con chuột được tiêm vắc-xin cải thiện rõ ràng về tuổi thọ.
Công trình nhận được sự ủng hộ lớn từ Viện Quốc gia về Lão hóa (Mỹ). Giáo sưu Paul Robbins, Phó Giám đốc Viện Sinh học về lão hóa và trao đổi chất tại Đại học Minnesota (Mỹ) cũng ca ngợi rằng nhóm nghiên cứu có "dữ liệu cực kỳ mạnh mẽ" và hy vọng công trình sớm thử nghiệm lâm sàng (trên người) thành công.
Nếu thành công, vắc-xin sẽ không phải là "thuốc trường sinh" theo cách nhiều người tưởng tượng, mà mục tiêu chính là ngăn chặn các bệnh liên quan đến tuổi tác như một số bệnh lý mạch máu, Alzheimer, ung thư... là những vấn đề gây tử vong sớm và giảm chất lượng sống ở người cao tuổi.