Một nghiên cứu mới được công bố bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ chỉ ra rằng trong số những người dưới 60 tuổi, nhóm người ngồi 8 tiếng một ngày mà không tập thể dục có nguy cơ đột quỵ cao gấp 7 lần so với những người tập thể dục ít nhất 10 phút xen kẽ giữa thời gian ngồi làm việc.
Theo chuyên gia nghiên cứu, việc ngồi lâu có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose, lipid và lưu lượng máu, đồng thời làm tăng tình trạng viêm nhiễm cơ thể. Những thay đổi này theo thời gian sẽ có tác dụng phụ lên mạch máu của con người, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Một nghiên cứu khác của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy những người ngồi hơn 6 giờ mỗi ngày có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 19% so với những người ngồi ít hơn 3 giờ.
Khi ngồi, cơ bắp chi dưới của chúng ta cơ bản khép lại, tốc độ trao đổi chất giảm 50%, sản sinh enzym phân hủy chất béo giảm 90% nên việc béo lên là điều khó tránh khỏi. Việc này góp phần làm máu di chuyển ở chi dưới kém hiệu quả hơn, tạo ra các cục máu đông và có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mạch máu não, đột quỵ nếu các cục máu đông trôi theo máu lên não và tắc lại ở đó.
Tạp chí Dịch tễ học Mỹ (American Journal of Epidemiology) từng đăng một nghiên cứu cho thấy ngồi càng lâu, bạn càng nhanh già. Nghiên cứu đã theo dõi gần 1.500 phụ nữ và phát hiện ra rằng những người thích ngồi lâu thường già hơn 8 tuổi so với tuổi thực của họ.
Một nghiên cứu của Đại học Queensland ở Úc cho thấy nguy hại sức khỏe của việc ngồi trong thời gian dài tương đương với việc hút thuốc. Và như chúng ta đã biết, quá trình lão hóa sớm hay tác hại của hút thuốc đều ảnh hưởng nhất định đến khả năng tuần hoàn máu, làm tăng nguy cơ gây bệnh mạch máu, đặc biệt là đột quỵ.
Ngồi trong bao lâu để ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến đột quỵ?
Theo hướng dẫn do Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2016 ban hành đã chỉ ra rõ ràng rằng mọi người nên giảm thời gian ít vận động, đặc biệt là tránh ngồi quá 90 phút.
Thay vì ngồi quá lâu một chỗ, bạn nên làm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là đối với những người trưởng thành ngồi lâu thì nên tập thể dục ở bất kỳ cường độ nào.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học thể thao Anh (British Journal of Sports Medicine) cho thấy tỷ lệ "trọn gói" 1:3 giữa thời gian ít vận động (ngồi) và tập thể dục là tốt nhất. Tức là, cứ mỗi giờ ngồi thì bạn nên có 3 phút tập thể dục vừa phải đến mạnh (chẳng hạn như chạy, nhảy và các bài tập khác làm tăng nhịp tim) hoặc 12 phút tập thể dục nhẹ (như làm việc nhà, đi bộ và các bài tập nhẹ khác) để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ tử vong sớm do đột quỵ hoặc các nguyên nhân khác có thể dẫn đến đột quỵ.