Đừng để “sát thủ thầm lặng” hen suyễn đe dọa cuộc sống của bạn

Nhắc đến các bệnh có nguy cơ tỷ vong cao, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ung thư hay tim mạch. Thế nhưng ít ai biết rằng, bệnh hen suyễn cũng nguy hiểm không kém với tỷ lệ tử vong hiện chỉ xếp sau ung thư.

Hen suyễn phát triển âm thầm nên người bệnh chủ quan

Gần 3,9% dân số, tương đương 4 triệu người mắc hen suyễn ở Việt Nam, hàng năm căn bệnh này lấy đi sinh mạng của 3-4.000 người.

Một trong những nguyên nhân khiến hen suyễn trở thành bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao như hiện nay là đặc tính phát triển âm thầm, nhưng lại bào mòn sức khỏe người bệnh với các biến chứng như: tràn khí màng phổi, nhiễm bệnh lao... Và khi bệnh nhân hen suyễn gặp phải các đợt khó thở kịch phát, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến thiếu máu não, mất ý thức… thậm chí tử vong. Vì vậy, các khuyến cáo nêu rõ, việc quan trọng nhất đối với người bệnh hen suyễn là phải tầm soát và phát hiện bệnh từ sớm, khi đã được chẩn đoán và điều trị thì cần tuân thủ dùng thuốc thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt triệu chứng.

Đừng để “sát thủ thầm lặng” hen suyễn đe dọa cuộc sống của bạn - 1

Hen suyễn nguy hiểm và làm bào mòn sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân chính của bệnh hen suyễn thường liên quan đến tiền sử gia đình, cơ địa dị ứng, thói quen sinh hoạt và nghề nghiệp. Vì vậy, với những ai thuộc nhóm nguy cơ cao như: Gia đình có người bị hen suyễn; Bị dị ứng, chàm; Hút thuốc lá; Sống và làm việc trong môi trường nhiều khói bụi và hóa chất như thợ in, sản xuất chất tẩy rửa, nhân viên y tế, công nghiệp điện, điện tử, phun sơn, chất dẻo... cần thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần.

Trắc nghiệm ngay để nhận biết mình có nguy cơ bị hen suyễn

Với những triệu chứng rất dễ coi là bình thường như ho, khò khè, tức ngực, khó thở khi vận động thì rất có thể bạn đã bỏ qua những dấu hiệu ban đầu của hen suyễn. Bài trắc nghiệm nhanh rất đơn giản nhưng hữu ích để bạn tự đánh giá nguy cơ mắc hen suyễn của mình.

Nếu trả lời “CÓ” từ 2 câu trở lên có nghĩa là bạn có nguy cơ mắc hen suyễn, bạn cần đến ngay các phòng khám và quản lý Hen tại địa phương hoặc các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám. Các bác sĩ sẽ làm thêm một số đánh giá để chẩn đoán như đo hô hấp ký và chụp X-quang phổi. Với bệnh hen suyễn, nếu phát hiện bệnh sớm và tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ, dùng thuốc ICS (corticosteroid dạng hít) thường xuyên, bệnh sẽ được kiểm soát và không trở thành gánh nặng đối với bản thân người bệnh, gia đình.

Đặc biệt, giữa đợt dịch COVID-19 đang bùng phát hiện nay, người bệnh hen suyễn cần cảnh giác trong việc giữ gìn sức khỏe và kiểm soát tốt bệnh. Vì virus SARS-CoV-2 tấn công và tàn phá phổi, nên nếu chủ quan, người bệnh hen suyễn sẽ rất dễ gặp nguy hiểm hơn so với các đối tượng khác.

Hen suyễn là bệnh nguy hiểm, thế nhưng đừng quá lo lắng! Bạn có thể kiểm soát được nó nếu tầm soát sớm và tuân thủ điều trị. Ngay từ hôm nay, hãy “Hành động - Đừng bị động” để cuộc sống không lỡ nhịp vì hen suyễn:

Đừng để “sát thủ thầm lặng” hen suyễn đe dọa cuộc sống của bạn - 2

Bài viết nằm trong Chương trình giáo dục công chúng "Trọn vẹn từng nhịp thở" do Liên chi Hội Hen Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng TP. HCM phối hợp cùng VPĐD GSK thực hiện.