Theo chia sẻ của TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện, thừng tinh chứa ống dẫn tinh và động mạch tinh hoàn (cung cấp máu cho tinh hoàn), đám rối tĩnh mạch hình dây leo (đưa máu từ tinh hoàn trở về tim). Để tối ưu chức năng sinh tinh, phát triển và hoạt hóa chức năng tinh trùng.
Tinh hoàn cần một nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể, thường là khoảng 5 độ. Nhờ đám rối tĩnh mạch hình dưa leo hoạt động như một thiết bị trao đổi nhiệt, làm mát máu ở trong động mạch tinh hoàn trước khi chảy vào tinh hoàn. Khi các tĩnh mạch này bị giãn to ra trở thành giãn tĩnh mạch thừng tinh. Tinh hoàn sẽ bị quá nhiệt làm cho sự sinh tinh và chất lượng của tinh trùng giảm xuống. Kéo theo nguy cơ suy yếu chức năng sinh sản.
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh là do các van 1 chiều của tĩnh mạch bị suy yếu, làm cho máu dồn ngược lại gây giãn. Hoặc do khối u chèn vào tĩnh mạch thận, hay tĩnh mạch tinh làm cho máu không chảy về tim được gây giãn.
Hình minh họa
Phân loại theo Dubin (1970), giãn tĩnh mạch thừng tinh được chia làm 5 mức độ theo thăm khám lâm sàng như sau:
- Độ 0: Không phát hiện được trên lâm sàng, chỉ chẩn đoán qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp mạch máu…
- Độ 1: Khi thực hiện nghiệm pháp Valsava thì sờ thấy búi tĩnh mạch thừng tinh giãn.
- Độ 2: Khi người bệnh trong tư thế thẳng đứng sờ thấy búi tĩnh mạch.
- Độ 3: Khi người bệnh thẳng đứng, nhìn thấy búi tĩnh mạch giãn.
- Độ 4: Người bệnh đứng hay nằm cũng dễ dàng nhìn thấy.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh không thể tự khỏi được do tĩnh mạch đã giãn ra thì không thể tự phục hồi. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể là nguyên nhân gây vô sinh do:
Máu ứ đọng lại trong các tĩnh mạch gây tăng nhiệt độ trong bìu, làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, từ đó làm giảm khả năng sinh sản .
Tinh hoàn ở bên tĩnh mạch thừng tinh bị giãn thường phát triển kém hơn bình thường, cũng nguy cơ gây vô sinh.
Với nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể tiến hành phẫu thuật mổ mở thông thường; Phẫu thuật qua nội soi; Phẫu thuật vi phẫu.
Sau mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh, mật độ tinh trùng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Theo các nghiên cứu, từ 21-55% bệnh nhân không có tinh trùng trước mổ thì sau phẫu thuật sẽ có tinh trùng trong tinh dịch, khoảng 21% bệnh nhân sau mổ giãn mạch thừng tinh có thể sinh con tự nhiên mà không cần các biện pháp hỗ trợ.