Theo BS. Hương Liên, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cà rốt là một loại rau rất quý, có nhiều công dụng chữa bệnh.
Chữa thiếu máu
Chất sắt và vitamin A trong cà rốt có tác dụng phòng và chữa thiếu máu. Đối với những bệnh nhân đau gan, cà rốt là một vị thuốc tốt của gan mật.
Làm da hồng hào và mịn màng
Vitamin A trong cà rốt giúp làn da luôn mịn màng, sáng đẹp. Nếu thiếu hụt vitamin A, da và tóc sẽ bị khô quá mức. Cà rốt cũng giúp giảm hình thành nếp nhăn trên khuôn mặt.
Giảm cholesterol
Cà rốt chứa lượng lớn chất xơ hòa tan, chủ yếu là pectin, giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể.
Chữa tiêu chảy
Nước nấu cà rốt là một vị thuốc chữa tiêu chảy trẻ em công hiệu đã được y học xác nhận.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, đối với trường hợp tiêu chảy nhẹ và vừa của trẻ nhỏ, dùng cà rốt có tác dụng:
Hấp thụ vi khuẩn và làm chậm nhu động ruột: trong cà rốt có các chất ở dạng keo đặc biệt có tính chất hút thấm như pectin–xenluloza nở to ra sẽ hút các vi khuẩn coli và chui vào các nếp nhăn ở ruột, đẩy đi các ổ vi khuẩn, thức ăn ứ đọng ở đấy, do đó làm mất các nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa, làm nhu động ruột trở lại bình thường.
Chống nhiễm khuẩn
Chống nhiễm khuẩn và cung cấp một phần năng lượng cho cơ thể: trong cà rốt có nhiều caroten có tác dụng bảo vệ niêm mạc ruột, chống lại vi khuẩn. Glucid, protid trong cà rốt góp phần đảm bảo nhu cầu về năng lượng của trẻ trong những ngày bị bệnh, ăn uống giảm sút.
Cách nấu súp cà rốt: Lấy 0,5kg cà rốt, rửa thật sạch sau khi cạo vỏ, thái nhỏ, hầm với một lít nước. Khi cà rốt nhừ đem nghiền thật nhuyễn rồi cho thêm nước cho đủ một lít, thêm một ít muối (khoảng 3g), đun sôi lại cho trẻ uống. Cho trẻ uống ngày 5 – 6 lần, mỗi lần 100 -150ml. Những ngày sau nên pha thêm nước cháo, sữa vào nước súp cà rốt cho trẻ ăn để đảm bảo năng lượng. Theo dõi 1 -2 ngày, nếu trẻ bớt tiêu chảy không cần dùng kháng sinh. Súp có vị ngọt, trẻ dễ uống.
Lưu ý: Khi dùng cà rốt nên chọn những củ còn non, màu đỏ da cam tươi, rửa sạch, cạo vỏ chứ không gọt vỏ sâu vì các vitamin và muối khoáng tập trung nhiều ở lớp vỏ ngoài.
Không nên ăn cà rốt nhiều và thường xuyên, cơ thể sẽ không chuyển hóa hết được beta-caroten. Chất này sẽ ứ đọng lại trong cơ thể gây vàng mắt, vàng da, chán ăn (nhiều người dễ nhầm tưởng là bị bệnh gan), chỉ cần ngừng ăn cà rốt thì các biểu hiện trên sẽ hết.
Liều lượng nên ăn hoặc uống nước ép cà rốt 2-3 lần/tuần. Người lớn ăn khoảng 100g cà rốt/lần, trẻ em ăn khoảng từ 30–50g cà rốt/lần.