Hầu hết các ca COVID-19 trong cộng đồng đợt này đều liên quan đến Hải Dương, Quảng Ninh

Bộ Y tế đã kích hoạt hệ thống truy vết, xác định nhanh trường hợp có liên quan đến các ca bệnh, nhằm xác định khoanh vùng kịp thời.

Theo Bộ Y tế, ngày 3/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương: Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chủ trì cuộc họp.

Hầu hết các ca COVID-19 trong cộng đồng đợt này đều liên quan đến Hải Dương, Quảng Ninh - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, qua kết quả phân tích dịch tễ học, hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Gia Lai, Hòa Bình, từ ngày 27/1 đến nay, đều liên quan đến 2 nguồn lây nhiễm chính: Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam (Khu công nghiệp Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương) và Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) với chủng biến thể mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng.

Ngay khi dịch xuất hiện trở lại, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, chuyên gia đầu ngành về dự phòng, điều trị, xét nghiệm, truyền thông để hỗ trợ tối đa cho Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương, nhằm dập dịch trong thời gian sớm nhất.

Bộ Y tế đã kích hoạt hệ thống truy vết, xác định nhanh trường hợp có liên quan đến các ca bệnh, nhằm xác định khoanh vùng kịp thời; chuyển thông tin các trường hợp nghi ngờ về địa phương để tiếp tục điều tra, xử lý; tiếp tục duy trì trực 24/24 giờ, tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng 1900 9095 (mỗi ngày tiếp nhận và xử lý khoảng 7.000 cuộc gọi).

Hiện, 2 nguồn lây nhiễm đã từng bước được kiểm soát do xác định trúng tâm dịch ngay từ đầu, triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp chống dịch. Dự báo, ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh sẽ nhanh chóng được kiểm soát trong thời gian tới. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tiến hành triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với các công ty, khu vực trọng điểm và toàn bộ cộng đồng dân cư ở các điểm có nguy cơ cao. Cả nước đang có 94 phòng xét nghiệm có đủ năng lực khẳng định với công suất hơn 42.000 mẫu/ngày.

Về tình hình bệnh tại Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, đây là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn… Đây là khu vực cũng chưa bao giờ xảy ra dịch, nên kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng chống có sự lúng túng; hệ thống y tế của địa phương còn yếu.

Bộ Y tế đã cử các đoàn vào cắm chốt tại Gia Lai; Điều Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sang hỗ trợ nâng công suất xét nghiệm của Gia Lai từ 200 mẫu /ngày lên 1.000 mẫu; Ngoài ra, Bộ Y tế cũng điều chuyên gia của Viện Pastuer TP HCM lên thiết lập thêm 1 labo xét nghiệm tại Gia Lai để nâng công suất xét nghiệm tại đây lên; Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị ngành y tế Đà Nẵng điều động ngay đội truy vết có kinh nghiệm của Đà Nẵng lên hỗ trợ Gia Lai về công tác truy vết. Sáng nay (3/2) Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các chuyên gia của BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy vào hỗ trợ tỉnh Gia Lai. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y cho biết lực lượng quân đội đã tổ chức 2 địa điểm cách ly tập trung tại Gia Lai. Lực lượng quân y trên địa bàn thường xuyên phối hợp với lực lượng y tế địa phương trong phòng chống dịch; khi cần thiết Cục Quân y sẽ tăng cường chuyên gia vào hỗ trợ truy vết,…