Ngày 26/8, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ban hành văn bản cập nhật hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà (phiên bản 1.4) gửi tất cả cơ sở y tế trực thuộc trên địa bàn.
Nhiều F0 cách ly tại nhà đã phải nhập viện trong tình trạng nặng vì chưa được đáp ứng điều trị phù hợp.
Sở Y tế cũng đã cập nhật mới về toa thuốc dành cho F0 cách ly tại nhà, ngoài 4 loại thuốc (hạ sốt, vitamin, kháng đông, kháng viêm) thì bổ sung thêm thuốc kháng virus dạng uống là Molnupiravir. Đây là loại thuốc đã được tiếp nhận, thí điểm trên diện hẹp tại TPHCM thời gian qua, cho hiệu quả rất khả thi. Molnupiravir viên 200mg hoặc 400mg uống 2 lần trong ngày (sáng 800mg chiều 800mg) uống 5 ngày liên tục. Thuốc được phối hợp hỗ trợ điều trị với các loại thuốc khác theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Trên thực tế, việc sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Đã có bằng chứng Molnupiravir giúp giảm tỷ lệ bệnh diễn tiến nặng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm triệu chứng rõ rệt, giảm nguy cơ tử vong.
Theo Sở Y tế, thuốc kháng virus Molnupiravir và các thuốc kháng đông dạng uống Rivaroxaban, Apixaban, Dabigatran hiện đang được nhiều nước trên thế giới thử nghiệm, đánh giá hiệu quả trong điều trị cho những người mắc COVID-19.
Hỗ trợ y tế kịp thời cho F0 cách ly tại nhà là giải pháp cấp bách để hạn chế số ca bệnh trở nặng.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát với nhiều trường hợp chuyển nặng tại nhà như hiện nay các chuyên gia trong nước khuyến cáo có thể sử dụng thuốc này (theo đúng hướng dẫn) nhằm hạn chế bệnh trở nặng tại nhà.
F0 cách ly tại nhà là những trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không bị suy hô hấp), SpO2 (oxy máu) trên 96% khi thở khí trời, nhịp thở dưới 20 lần/phút, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì; đã tiêm đủ 2 mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên.
F0 cách ly tại nhà có khả năng tự chăm sóc bản thân (ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh...); có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.