Trong khi đó, Viện nghiên cứu giấc ngủ - The Sleep to Live (Mỹ) khuyến nghị nên thay gối 6 tháng/lần.
Chức năng cơ bản của một chiếc gối là trợ giúp cho cột sống cổ (một phần cổ của xương sống) ở một vị trí trung lập, giảm sự xoay chuyển của đầu khi ngủ. Một nghiên cứu cho thấy giấc ngủ tốt hơn khi sử dụng gối làm bằng latex, polyester hoặc nệm cao su mềm. Gối lông vũ có thể liên quan đến chứng đau cổ.
Thực tế, không có bằng chứ cụ thể về tuổi thọ của một chiếc gối là bao lâu. Nhiều chuyên gia về giấc ngủ mách rằng nếu bạn gấp gối lại làm đôi và nó không tự bung ra như hình dạng cũ nữa thì bỏ đi là vừa. Vì khi đó, chức năng nâng đỡ đầu và cổ đã hầu như không còn.
Tiến sĩ Rafael Pelayo, chuyên gia về giấc ngủ tại Trung tâm Khoa học Stanford kể trên Foxnews rằng: "Tôi từng làm việc trong lĩnh vực y học về giấc ngủ trong 22 năm, từ trước đến nay chưa có ai hỏi tôi các vấn đề liên quan đến những cái gối".
Chưa từng có ý kiến khoa học chính xác nào giúp xác định đúng thời điểm để thay mới một chiếc gối kê đầu. Có một cách sau đây bạn có thể thử để quyết định làm gì với những chiếc gối của mình. Nancy Rothstein, nhà tư vấn và giáo dục tự gọi mình là "Đại sứ giấc ngủ" cho biết: "Nếu bạn có một chiếc gối nệm cao su, hãy gấp đôi nó. Nếu gối không thể trở lại hình dạng lúc ban đầu thì đã đến lúc bạn nên bỏ nó đi."
Ngay cả những chiếc gối không bị biến dạng khi gấp đôi hay nhìn vẫn sạch sẽ, không có vết ố vàng vẫn chứa những thứ dơ bẩn như dầu hay dịch tiết từ cơ thể, da chết, bụi bẩn từ không khí. Hơn nữa, cứ sau khoảng 1/3 thời gian trong ngày bạn nằm trên gối, lật xoắn đủ kiểu, những thứ nhồi bên trong gối lại hư hao dần. Vì thế, việc thay thế những chiếc gối cũ là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn.
Một nghiên cứu về dị ứng vào năm 2005 của Đại học Manchester đã lấy mẫu gồm 10 gối có từ 1,5 đến 20 năm sử dụng và thấy hàng ngàn bào tử nấm trong mỗi gram gối. Trong đó, bào tử nấm aspergillus góp phần làm bênh hen suyễn nặng hơn.
Bạn cũng có thể phải đối mặt với phân của hàng triệu con mạt nhà có kích thước rất nhỏ, không thể nhìn bằng mắt thường, sống trong chủ yếu trên chăn, màn, nệm, thảm, gối, khăn, các đồ bằng vải và những món đồ chơi trẻ em có lông.
Mạt nhà sống nhờ những vảy tế bào da chết bong ra trên cơ thể người. Nhiệt độ khoảng 25-30 độ C và độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng để chúng sinh sản và phát triển. Môi trường sống thiếu vệ sinh hay ở nơi đông người, không giặt giũ thường xuyên chăn màn, gối, ga trải giường... khiến mạt nhà có điều kiện sinh sôi.
Bản thân mạt nhà không lây truyền bệnh, một con có thể thải ra hàng chục hạt phân mỗi ngày và đây mới chính là nguyên nhân gây ra dị ứng, bởi trong phân của nó có một enzym gây kích ứng với cơ thể người.
Phân của mạt nhà rất nhỏ và nhẹ, nên dễ dàng bị hít vào phổi gây ra các bệnh về đường hô hấp như các cơn hen suyễn, ngứa mũi, chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi liên tục, đặc biệt là trẻ em. Không những thế, mạt nhà là tác nhân hàng đầu gây ra phần lớn các trường hợp dị ứng trên da như nổi mẩn đỏ, eczema, sưng tấy, mụn nước, hay trên mắt như ngứa, đỏ, chảy nước mắt.
"Nếu bạn có một cái gối rẻ tiền được nhồi bông nhân tạo, nên thay nó mỗi 6 tháng. Nếu đang sở hữu một chiếc gối làm từ memory foam (chất liệu có tính đàn hồi cao, tự tạo đường cong khi bạn nằm xuống) hay bất kỳ loại gối nào giúp hỗ trợ nâng đỡ cơ thể, nên thay nó sau khoảng 18 đến 36 tháng" - Tiến sĩ Michael Breus, chuyên gia tâm lý, tác giả cuốn sách Good Night (Chúc ngủ ngon) nói.