Phổi là cơ quan quan trọng của cơ thể, nó thường xuyên tiếp xúc với các loại khí độc trong cuộc sống thường ngày như khói thuốc, khói xăng xe, bụi bặm… Vì vậy, việc chăm sóc phổi là điều nên làm, đặc biệt đối với những người có tiền sử bệnh hen suyễn, bệnh phổi, viêm phế quản thì lại càng quan trọng hơn.
Bạn có thể bảo vệ 2 lá phổi của mình thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, nó có thể giúp giảm đáng kể những tổn thương ở phổi, đặc biệt là 9 loại thực phẩm sau:
1. Táo: Các chất chống oxy hóa, flavonoid và vitamin C có trong táo có thể thúc đẩy chức năng của phổi hoạt động tốt hơn.
2. Nghệ: Nghệ rất giàu chất curcumin, đây là một hợp chất có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm có lợi rất nhiều cho việc hỗ trợ chức năng phổi.
3. Trà thảo mộc: Các loại trà gừng, nghệ, chanh, mật ong hoặc quế có thể có lợi cho việc cải thiện chức năng phổi. Ngoài ra, trà xanh có chứa catechin có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm rất tốt.
4. Bắp cải đỏ: Anthocyanins là sắc tố thực vật tạo cho bắp cải đỏ có màu đậm. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, anthocyanins có thể làm giảm sự suy giảm chức năng phổi.
5. Dầu ô liu: Dầu ô liu chứa chất chống oxy hóa, polyphenol và vitamin E, tất cả đều có thể hữu ích trong việc chống lại các tình trạng hô hấp như hen suyễn.
6. Quả hạch Brazil: Loại hạt này là một nguồn giàu selen, một chất dinh dưỡng giúp giảm nguy cơ ung thư phổi, cải thiện chức năng hô hấp và miễn dịch ở những người bị hen suyễn.
7. Đậu lăng: Magie, sắt, đồng và kali là những chất dinh dưỡng có thể giúp tăng cường chức năng phổi.
8. Quả việt quất: Loại quả này có tác dụng bảo vệ phổi khỏi bị nhiễm trùng. Giống như bắp cải đỏ, nó cũng chứa anthocyanins như peonidin, cyanidin, malvidin, delphinidin và petunidin. Chúng là những sắc tố mạnh có thể bảo vệ phổi khỏi tác hại của quá trình oxy hóa.
9. Cà chua: Cà chua chứa lycopene, một chất chống oxy hóa carotenoid đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện sức khỏe của phổi. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cà chua có thể làm giảm viêm đường thở ở bệnh nhân hen suyễn và cải thiện chức năng phổi ở những người bị COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính).
Để bảo vệ phổi cần làm những điều gì?
Theo Viện Tim – Máu – Phổi Quốc gia (Mỹ), các bệnh mãn tính về đường hô hấp dưới, bao gồm COPD, hen suyễn là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong năm 2010. Các bệnh về phổi, không bao gồm ung thư đã gây ra cái chết của khoảng 235 nghìn người trong năm đó.
Trên thực tế, phổi cũng như các cơ quan khác của cơ thể đều bị lão hóa theo năm tháng. Phổi có thể trở nên hoạt động chậm chạp, chức năng kém, gây khó thở hơn. Nhưng bằng cách ăn các loại thực phẩm bổ phổi và tránh xa các thói quen xấu, sức khỏe của phổi sẽ được duy trì tốt hơn.
- Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá gây ra hàng loạt các bệnh về phổi, bao gồm COPD, xơ phổi vô căn, hen suyễn. Mỗi khi hút một điếu thuốc, bạn đã hít hàng ngàn chất hóa học và phổi, bao gồm nicotine, carbon monoxide và hắc ín. Những chất độc này làm hỏng phổi, làm tăng chất nhầy, khiến phổi khó tự làm sạch hơn, đồng thời gây kích ứng và làm viêm các mô, dần dần, đường thở bị thu hẹp, khiến bạn khó thở hơn.
Hút thuốc lá cũng khiến phổi bị lão hóa nhanh hơn. Cuối cùng, các hóa chất có thể thay đổi tế bào phổi từ bình thường thành ung thư.
- Tập thể dục
Bên cạnh việc tránh thuốc lá, tập thể dục thường cũng quan trọng với phổi không kém. Cũng giống như việc tập thể dục giúp giữ gìn vóc dáng, nó cũng giữ cho phổi hoạt động tốt hơn.
Khi tập thể dục, tim sẽ đập nhanh hơn và phổi hoạt động mạnh hơn. Cơ thể cần nhiều oxy hơn để cung cấp năng lượng cho cơ bắp. Các cơ giữa các xương sườn giãn ra rồi co lại, các túi khí bên trong phổi hoạt động nhanh để trao đổi oxy lấy carbon dioxide. Bạn càng tập thể dục nhiều, phổi càng hoạt động tốt hơn.
- Tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm
Tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí có thể làm hỏng phổi và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Khi chúng ta còn trẻ và khỏe, phổi có thể dễ dàng chống lại những chất độc này. Tuy nhiên, khi già đi, chúng sẽ mất đi sức đề kháng đó và dễ bị nhiễm trùng hơn.
Bạn cần tránh khói thuốc lá thụ động, không đi ra ngoài vào thời gian cao điểm không khí ô nhiễm, tránh tập thể dục gần phương tiện giao thông đông đúc, vì có thể hít phải khí thải. Nếu bạn tiếp xúc với các chất ô nhiễm tại nơi làm việc, hãy đảm bảo thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa an toàn có thể. Một số công việc như trong xây dựng, khai thác mỏ và quản lý chất thải có thể làm tăng nguy cơ tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí.
- Tránh nhiễm trùng
Nhiễm trùng có thể đặc biệt nguy hiểm cho phổi, đặc biệt là khi bạn già đi. Những người đã mắc bệnh phổi như COPD đặc biệt có nguy cơ bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, ngay cả những người cao niên khỏe mạnh cũng có thể dễ dàng mắc bệnh viêm phổi nếu không cẩn thận.
Cách tốt nhất để tránh nhiễm trùng phổi là giữ tay sạch sẽ. Rửa thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng, tránh chạm vào da mặt càng nhiều càng tốt.
Uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây và rau quả, chúng chứa các chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Hít thở sâu
Hít thở sâu giúp làm sạch phổi và tạo ra sự trao đổi oxy đầy đủ. Các bài tập thở có thể làm cho phổi hoạt động hiệu quả hơn. Bạn có thể ngồi một chỗ, từ từ hít vào thở ra và đếm nhịp thở của mình. Ví dụ, khi bạn hít vào đếm 1-2-3-4, sau đó khi thở ra đếm 1-2-3-4-5-6-7-8.
Hơi thở nông đến từ ngực và hơi thở sâu hơn đến từ bụng, nơi cơ hoành nằm. Chú ý bụng của bạn tăng lên và xẹp xuống khi bạn luyện tập hít thở. Khi thực hiện các bài tập này, bạn cũng có thể thấy mình bớt căng thẳng và thoải mái hơn.