Theo Medical News Today, các bệnh lý về phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ. Các bệnh lý về phổi thường gặp bao gồm hen suyễn, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và ung thư phổi.
Khi phổi hoạt động kém hiệu quả hoặc mắc bệnh, cơ thể chúng ta sẽ phát ra một số dấu hiệu cảnh báo đáng chú ý. Tuy nhiên, các dấu hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường.
Tuy nhiên, bác sĩ Jessica S. Wang Memoli, bác sĩ chuyên khoa phổi kiêm giám đốc Khoa Nội soi phế quản & Can thiệp phổi tại Bệnh viện MedStar Washington, Mỹ cho biết: “Nếu các dấu hiệu cảnh báo dưới đây diễn ra trong thời gian dài, không thuyên giảm, điều này có thể cảnh báo bệnh lý về phổi đang diễn tiến nghiêm trọng hơn và bạn nên đi khám ngay”.
10 dấu hiệu cảnh báo phổi đang suy yếu
1. Khó thở
Khó thở là một triệu chứng phổ biến của bệnh phổi. Tình trạng khó thở có thể diễn ra ngay cả khi bạn nghỉ ngơi hoặc tham gia các hoạt động thông thường.
Tiến sĩ Deborah Lee, Chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Dịch vụ y tế quốc gia, Vương Quốc Anh (NHS) cho biết khó thở có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi.
Triệu chứng khó thở có thể xuất hiện đột ngột hoặc xuất hiện từ từ trong vài tuần hoặc vài tháng. Tình trạng khó thở cũng có thể tồi tệ hơn vào ban đêm khi nằm ngủ.
Nguyên nhân gây khó thở có thể là do khối u chèn ép ở trong phổi. Ngoài ra, ung thư phổi có thể gây ra tình trạng tràn dịch màng phổi, khiến chất lỏng tích tụ xung quanh phổi. Chất lỏng tích tụ trong lồng ngực có thể gây khó thở.
Khó thở là một triệu chứng phổ biến của bệnh phổi. Tình trạng khó thở có thể diễn ra ngay cả khi bạn nghỉ ngơi hoặc tham gia các hoạt động thông thường.
2. Hụt hơi
Hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc ung thư phổi có thể gây ra tình trạng hụt hơi ở người bệnh.
Ngoài ra, các loại virus cúm có thể gây ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng phổi. Bác sĩ Andrea McKee tại Bệnh viện Lahey & Trung tâm Y tế Ung thư Sophia Gordon ở Massachusetts, Mỹ cho biết: “Việc đồng nhiễm vi khuẩn và virus khi mắc các bệnh lý về hô hấp có thể khiến chức năng phổi bị tổn thương, gây viêm phổi hoặc viêm phế quản do vi khuẩn, khiến người bệnh bị hụt hơi".
3. Thở khò khè
Thở khò khè là dấu hiệu cảnh báo các bất thường ở đường thở, do đường thở bị hẹp hoặc viêm. Hen suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thở khò khè.
4. Ho hoặc ho ra máu
Ho cũng là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về phổi, trong đó có cả ung thư phổi. Đa số những người mắc ung thư phổi sẽ xuất hiện tình trạng ho khan. Nếu tình trạng ho khan kéo dài dù đã dùng thuốc điều trị nhưng cũng không thấy thuyên giảm thì mọi người nên chú ý và tốt nhất nên lập tức đến bệnh viện kiểm tra.
Ngoài ra, tình trạng ho ra đờm kèm máu cũng là một dấu hiệu cần chú ý. Các bệnh lý thông thường hiếm khi gây ho ra đờm kèm máu. Do đó, nếu cơ thể xuất hiện tình trạng ho ra máu, cho dù chỉ là ho ra một chút máu thì mọi người cũng cần cảnh giác với ung thư phổi.
Ho cũng là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về phổi, trong đó có cả ung thư phổi.
5. Giọng nói thay đổi
Giọng nói thay đổi chẳng hạn như khàn tiếng kéo dài hơn vài tuần có thể là một trong những triệu chứng nghiêm trọng cảnh báo bệnh phổi. Bác sĩ, chuyên gia sức khỏe Leann Poston cho biết những thay đổi về giọng nói như khàn giọng là dấu hiệu phổ biến của COPD.
Theo một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Phế quản Ai Cập, những người mắc bệnh COPD gặp khó khăn trong việc giữ không khí trong phổi nên họ có thể bị thay đổi giọng nói hoặc gặp khó khăn khi phát âm.
6. Đau vai
Ung thư phổi có thể gây ra tình trạng đau vai nếu vị trí của các khối u ở gần vai. Người mắc ung thư phổi có thể bị đau vai khi kéo căng cơ ngực. Mặt khác, các tế bào ung thư đã di căn đến xương quai xanh, cổ tạo áp lực lên dây thần kinh gây ra hiện tượng đau vai.
Ung thư phổi có thể gây ra tình trạng đau vai nếu vị trí của các khối u ở gần vai.
7. Móng tay chuyển sang màu xanh
Móng tay màu xanh, hơi xám hoặc tím đậm có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang không nhận đủ oxy. Điều này có thể cảnh báo phổi đang gặp vấn đề.
8. Đau tức ngực mạn tính
Bác sĩ Wang Memoli cho biết, cơn đau hoặc tức ngực có thể liên quan đến các vấn đề ở phổi. Đau nhói ở vùng ngực khi hít vào hoặc ho có thể là dấu hiệu của viêm phổi. Ngoài ra, bệnh COPD cũng có thể gây ra tình trạng đau tức ngực khi lượng không khí hít vào và thở ra ít hơn bình thường.
Nếu tình trạng đau ngực không rõ nguyên nhân kéo dài hơn 1 tháng, đặc biệt nếu cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi bạn hít vào hoặc ho, mọi người nên đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.
Đau nhói ở vùng ngực khi hít vào hoặc ho có thể là dấu hiệu của viêm phổi
9. Móng tay dùi trống
Các bác sĩ cho biết móng tay hình dùi trống có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về phổi hoặc tim. Khi tim và phổi hoạt động không bình thường sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu hoặc gây ra các vấn đề về tuần hoàn. Điều này khiến máu dễ tích tụ nhiều hơn ở các chi của cơ thể, chẳng hạn như các đầu ngón tay. Khi đó các đầu ngón tay sẽ phình to ra và móng tay cong lên trên bất thường, tạo thành móng tay hình dùi trống.
Ngón tay dùi trống là một trong những dấu hiệu phổ biến cảnh báo bệnh ung thư phổi. Theo Tổ chức nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, có khoảng hơn 35% số người mắc ung thư phổi có triệu chứng ngón tay dùi trống. Theo một nghiên cứu tại Thư viện Y học Quốc gia, Mỹ móng tay dùi trống là một triệu chứng xảy ra ở khoảng 5 - 15% ở những người bị ung thư phổi.
10. Thường xuyên mệt mỏi
Thường xuyên mệt mỏi có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ là hiện tượng người bệnh ngừng hô hấp từ 5 - 10 giây hoặc hơn trong khi ngủ. Những người mắc hội chứng này có giấc ngủ rối loạn, chất lượng giấc ngủ kém.
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra một đến nhiều lần trong một đêm, dẫn đến việc cơ thể thiếu oxy và gây mệt mỏi. Bệnh nhân có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển và cuối kỳ ngưng thở.
Thường xuyên mệt mỏi có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ, có thể gây ảnh hưởng đến phổi.
Các để giữ cho phổi luôn khỏe mạnh
Để giữ cho phổi luôn khỏe mạnh và phòng ngừa các bệnh về phổi, mọi người cần ngừng thuốc lá; tránh xa các chất độc hại như amiăng, asen, crom, niken, cadmium; xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với các loại trái cây và rau củ đa dạng; tập thể dục thường xuyên khám định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về phổi (nếu có).