Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi suýt mất thị lực do dùng lá trầu không rửa mắt.
Theo đó, bệnh nhi được đưa vào viện với tình trạng mắt trái bị đau nhức, sưng nề, chảy nhiều nước mắt. Người nhà bé cho biết, trước đó, thấy cháu xuất hiện đau mắt trái, sau đó kèm theo phù nề, gia đình đã dùng lá trầu không để rửa mắt nhưng không đỡ, mắt càng ngày càng sưng đau hơn. Nhận thấy tình hình nguy hiểm, bé được người nhà đưa đến bệnh viện để khám.
Lá trầu không có tính sát khuẩn tốt nhưng không nên lạm dụng. Ảnh minh họa
Trên thực tế, cây trầu không được trồng ở nhiều nơi trên cả nước với mục đích chính là để lấy lá ăn trầu (lá trầu không, vôi, cau và vỏ cây). Ngoài ra, lá trầu không còn được dùng làm thuốc.
Tuy nhiên, nhiều người do không biết cách dùng loại dược liệu này hoặc quá lạm dụng đã gặp những tác dụng phụ không mong muốn. Ngoài trường hợp bệnh nhi nêu trên, trước đó, không ít trường hợp trẻ đã bị bỏng do bố mẹ hơ nóng lá trầu không và đắp lên bụng để chữa chướng bụng.
Hay tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ tại đây cũng đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào viện vì da bị tổn thương nghiêm trọng hoặc da loang lổ chỗ đen chỗ trắng xen kẽ nhau sau một thời gian dài đắp lá trầu không chữa nám, tàn nhang…
Vậy, dùng lá trầu không chữa bệnh như thế nào để phát huy tác dụng một cách tốt nhất và không gây hại cho sức khỏe?
Theo Y học hiện đại, trong 100g lá trầu không chứa tới 2,4% tinh dầu. Các thành phần chính của tinh dầu trầu không thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau như: Eugenol, chavicol, chavibetol, Estragol… có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: Tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, trực khuẩn lỵ…
Ngoài ra, chiết xuất từ lá trầu có khả năng tiêu diệt khối u trong thực nghiệm trên động vật và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm.
Còn theo Y học cổ truyền, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn.
Một số bài thuốc dân gian từ lá trầu không:
Sát khuẩn vết thương: Khi bị thương, vắt nước trầu không rửa vết thương rồi dùng lá trầu không sạch phủ lên, băng lại hoặc có thể lấy lá trầu không nấu nước rửa vết thương hàng ngày vết thương sẽ khô, kín miệng sau 2 ngày.
Chữa viêm họng: Khi viêm đau họng lấy 5 lá trầu không rửa sạch giã nát chắt lấy nước, thêm mật ong rồi ngậm có thể nuốt từ từ rất hiệu nghiệm.
Thông tia sữa: Sau khi sinh sản phụ cương sữa, tắc sữa có thể lấy lá trầu không hơ nóng đắp bên dưới bầu vú giúp sữa xuống nhanh, từ đó giảm đau nhức.
Trị đau nhức, cảm cúm: Lấy khoảng 5 lá trầu không nhúng vào rượu đánh cảm có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, nhẹ đầu, giảm các triệu chứng cảm cúm.
Chữa nước ăn chân: Lấy lá trầu không 8g, lá ráy 50g thái nhỏ, đổ ngập nước, đun sôi để nguội rồi ngâm chân. Hoặc lấy một nắm lá trầu không đun sôi để nguội rồi ngâm chân.
Chữa ngứa, viêm nhiễm vùng kín: Lấy lá trầu không tươi, vò nát, thêm một chút muối, đun sôi với nước rồi ngồi xông vùng kín. Nước lá trầu không để nguội, dùng rửa ngoài chống viêm, chống ngứa rất hiệu quả.
Lưu ý khi dùng lá trầu không
Để sử dụng một cách an toàn và có hiệu quả lá trầu không, các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất không nên sử dụng một cách tùy tiện hoặc lạm dụng dùng quá nhiều ở những vùng nhạy cảm như mắt, "vùng kín". Trước khi dùng nên tham khảo ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Đặc biệt, không nên sử dụng lá trầu không cho phụ nữ có thai. Những đối tượng đặc biệt khác như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có cơ địa mẫn cảm, hay dị ứng nếu muốn sử dụng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia để tránh gặp các phản ứng phụ xấu có thể xảy ra.