Người Việt Nam có lẽ chẳng ai còn xa lạ với món rau đay nấu canh cua, nấu đầu tôm... nhưng ít ai biết rau đay thực chất không phải loại rau có nguồn gốc từ nước ta mà đã được người dân Ai Cập trồng từ 5000 năm trước.
Rau đay có sức sống cực kỳ mãnh liệt, thậm chí ngay cả trên đất sa mạc khô hạn. Ngày nay, rau đay được trồng khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ở Việt Nam cũng được trồng trong các vườn gia đình, được dùng làm nguyên liệu để chế biến các món ăn ngon như canh cua, canh tôm.
Theo y học hiện đại, thành phần dinh dưỡng trong rau đay tính theo % như sau: Nước 78,3; Protein 5,3; Lipid 0,8; Cellulo 2,5; Dẫn xuất không Protein 10,6; Khoáng toàn phần 2,5.
Theo cựu đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội): Rau đay có vị ngọt, tính mát, không độc có tác dụng nhuận tràng, tiêu đàm, thông kinh. Rau đay thường được dùng để chữa bệnh cho người bị suy nhược cơ thể, táo bón, kiết lỵ, ho đàm, an thần, trợ tim, lợi tiểu và lợi sữa cho phụ nữ sau sinh.
Theo y học cổ truyền, rau đay vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tẩm bổ, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, lợi hô hấp, tiêu đờm, kháng viêm, cầm máu...
Cả lá, hạt rau đay đều có thể tận dụng để làm thuốc. Hạt rau đay vị đắng, tính nóng, không độc. Tác dụng hoạt huyết, bổ tim. Trị vô kinh, kinh nguyệt không đều.
Rau đay làm theo cách này sẽ thành bài thuốc trị bệnh
1. Giải nhiệt, mát ruột
Cách làm: Canh rau đay, nấu mồng tơi, cua đồng. Rất ngon miệng, mát ruột. Đồng thời, tiêu khát, giải nhiệt, chữa trúng nắng. Vì rau đay có nhiều nước, chứa nhiều nhầy, có nhiều đường nên ích lợi cho việc giải nhiệt. Tính hàn của rau đay giúp hóa giải mọi hiện tượng nóng trong.
2. Trị táo bón
Cách làm: Rau đay đem sắc lấy nước uống 2-3 lần trong ngày sẽ giúp chữa táo bón vô cùng hiệu quả. Hoặc rau đay, rau mồng tơi có lượng bằng nhau, đem nấu canh ăn mỗi ngày 1 lần, ăn liên tục trong 1 tuần để nhuận tràng, tránh táo bón.
3. Trị lỵ mới phát
Cách làm: Rau đay 30g, sắc đặc, uống.
4. Chữa khái huyết, nôn máu
Cách làm: Lá rau đay 10g, long nha thảo 10g, cốt khí củ 10g. Đem các nguyên liệu đi sắc uống.
5. Chữa ngộ độc cá
Cách làm: Lá rau đay 90g, đường phèn đủ dùng. Sắc, uống càng nhiều càng tốt.
6. Nhuận tràng, khỏe ruột
Rau đay có nhiều nhớt, đây chính là một tổ hợp chất sinh học có công dụng kích thích ruột vận động. Đồng thời nhớt còn có tác dụng làm mềm phân, giảm độ táo bón. Cách làm: Một ngày ăn chừng 300-400g rau đay.
7. Khai thông tiểu tiện
Cách làm: Rau đay 100g, mã đề 100g đem sắc lấy nước uống hoặc đem nấu canh tôm cua ăn.
8. Chữa hồi hộp, tim đập nhanh
Cách làm: Rau đay 100g, mướp hương, rau mồng tơi, cua đồng giã nát, lọc nước. Sau đó đem mướp, rau đay cùng các loại rau kia nấu canh và ăn.
Một số điều cần lưu ý khi ăn rau đay
- Có một số trường hợp đối diện với tình trạng bị dị ứng do ăn rau đay, dẫn đến phát ban, sưng miệng hoặc môi và các vấn đề về hô hấp. Vì thế nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi ăn chúng thì hãy đến phòng cấp cứu gần nhất.
- Rau đay tính hàn nên thích hợp để hạ hỏa. Tuy nhiên, nó chỉ hợp với ai chịu được nhớt, những người sợ nhớt thì không nên ép ăn.
- Cách thích hợp nhất để chế biến rau đay là nấu canh với cua, ăn cả nước và cái.