Cô Trương (ngoài 20 tuổi) sống ở Giao Giang (Thành Đô, Trung Quốc), là một nhân viên văn phòng mới vào nghề, dáng người mảnh khảnh, da trắng và xinh đẹp nhưng gần đây tâm trạng lại không mấy tốt. Trong cuộc sống hàng ngày, cô thường xuyên cảm thấy đau cơ khắp người và dễ mệt mỏi.
Cô Trương thấy rất kỳ lạ, cô vẫn cảm thấy mệt mỏi sau khi ngủ 8 tiếng một ngày. Cô cũng không tìm ra nguyên nhân nên đã đến bệnh viện để kiểm tra, hóa ra là do thiếu vitamin D gây ra tình trạng loãng xương.
Bác sĩ đã loại trừ một loạt yếu tố và hỏi thêm, hóa ra cô Trương là nhân viên văn phòng làm việc trong nhà và ít có thời gian phơi nắng. Để giữ cho làn da trắng trẻo, cô thường không ra ngoài, ngay cả khi ra ngoài cô cũng trang bị từ đầu đến chân, mũ chống nắng, mặt nạ chống nắng, tay áo chống nắng... toàn bộ da sẽ không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Ảnh minh họa: Sohu
Cô cũng dùng kem chống nắng khắp cơ thể. trong thời gian duy nhất cô có thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, điều này làm tăng nhanh tình trạng thiếu vitamin D.
"Việc chống nắng là cần thiết vào mùa hè, nhưng chống nắng quá mức, nếu cơ thể không nhận đủ ánh sáng mặt trời, có thể dẫn đến thiếu vitamin D trong cơ thể", Wang Ting, bác sĩ điều trị tại khoa da liễu của Bệnh viện Trung ương Thái Châu (Trung Quốc) cho biết. Vitamin D là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể con người, nó giúp cơ thể hấp thụ canxi và phốt pho, giúp tăng cường sức khỏe của xương.
Vitamin D từ lâu đã được coi là "vitamin ánh nắng". Ánh nắng mặt trời là một trong những nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất cho cơ thể. Phơi nắng trong thời gian ngắn có thể tạo ra tất cả lượng vitamin D bạn cần trong ngày, nhưng hầu hết mọi người đều thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu này. Nhiều loại kem chống nắng ngăn chặn tia UV, điều đó cũng có nghĩa là ngăn chặn sự tổng hợp vitamin D trong da. Tránh nắng trong thời gian dài có thể khiến cơ thể thiếu vitamin D, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi và gây ra hàng loạt bệnh tật.
"Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị mất ngủ mãn tính có nồng độ vitamin D trong huyết thanh thấp hơn so với những người khỏe mạnh", bác sĩ Wang Ting nhận định.
Chống nắng quá mức dễ dẫn đến hàng loạt bệnh tật
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở mức độ vừa phải có lợi cho cơ thể, có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường thể chất, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người, giải tỏa căng thẳng về tinh thần. Tuy nhiên, nhiều người sợ sạm da nên về cơ bản không tắm nắng nhiều, ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp và hấp thu vitamin D sẽ dễ dẫn đến suy giảm sức đề kháng, tăng tình trạng mất xương, loãng xương, yếu cơ và tăng nguy cơ gãy xương theo thời gian.
Để bảo vệ làn da trắng sáng của mình, cũng giống như cô Trương, cô Chu ở độ tuổi 20 sống tại Thành Đô (Trung Quốc) thường rất chú trọng đến việc chống nắng, mỗi khi ra ngoài cô đều trang bị đồ chống nắng như "người nuôi ong", thậm chí còn bôi kem chống nắng trong nhà.
Vài tháng gần đây, cô Chu luôn cảm thấy đau lưng và thỉnh thoảng bị chuột rút ở bắp chân, sau khi đến khoa chỉnh hình của bệnh viện để kiểm tra một loạt, bác sĩ đã loại trừ chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng và các bệnh liên quan khác, đồng thời xác định rằng các triệu chứng của cô là do chứng loãng xương gây ra.
Ảnh minh họa: Sohu
"Loãng xương? Làm sao có thể...", cô Chu cảm thấy có chút khó tin, theo cô, loãng xương chủ yếu xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi, không ngờ cô lại bị loãng xương từ khi còn trẻ.
"Chống nắng quá mức trong thời gian dài có thể dẫn đến loãng xương. Ví dụ, những người trẻ tuổi thường bị đau cơ và khớp, dễ mệt mỏi và chuột rút ở chân. Khi những tình trạng này xảy ra, bạn cần cảnh giác", bác sĩ Wang Ting nhắc nhở. Ngoài ra, thiếu hụt vitamin D còn có thể dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh tự miễn và khối u...
Làm thế nào để chống nắng đúng cách
Bác sĩ Wang Ting cho biết những người chống nắng quá mức, người da sẫm màu, người béo phì, người làm việc trong nhà và các nhóm đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ em và người già đều dễ bị thiếu vitamin D.
Tầm quan trọng của việc chống nắng là việc chống nắng hàng ngày có thể làm giảm quá trình lão hóa da và chống nắng trong những khoảng thời gian đặc biệt có thể làm giảm nguy cơ bị cháy nắng. Nhưng tiền đề của việc chống nắng là bảo vệ sức khỏe của cơ thể con người.
Khi mặt trời tương đối ôn hòa, tốt hơn hết bạn nên ra ngoài đi dạo, tắm nắng và hòa mình vào thiên nhiên. Nếu bạn tiếp xúc với tia cực tím mạnh trong thời gian dài, hãy thực hiện tốt việc chống nắng cho các vùng da tiếp xúc như mặt, đồng thời sử dụng biện pháp chống nắng cứng (dù che nắng) và chống nắng mềm (kem chống nắng) nếu cần thiết.
"Việc chống nắng quá mức không phải là hiếm. Ngoài việc gây ra tình trạng thiếu vitamin D, mụn trứng cá do mỹ phẩm cũng là một biến chứng phổ biến", bác sĩ Wang Ting cho biết việc sử dụng kem chống nắng có thể dẫn đến mụn do mỹ phẩm, dị ứng với các thành phần và lỗ chân lông bị tắc.
Bạn có thể xem dự báo thời tiết trước khi ra ngoài hàng ngày, nếu cường độ tia cực tím không vượt quá 2 thì không cần thoa kem chống nắng khi ra ngoài. Khi chọn sản phẩm kem chống nắng, hãy nhìn vào giá trị SPF và giá trị PA. Giá trị càng lớn thì hiệu quả chống nắng càng mạnh nhưng độ thoáng khí càng kém và gánh nặng cho da càng lớn.
"Nói chung, mùa đông chọn kem chống nắng có chỉ số SPF30 là đủ, mùa hè chọn SPF50 là đủ", bác sĩ Wang Ting cho biết, đối với việc đi lại hàng ngày, nếu thời gian ra nắng không quá nửa giờ thì chỉ cần bôi kem chống nắng có hệ số chống nắng thấp là đủ.
Đối với dân văn phòng, ban ngày hầu như đều làm việc trong nhà, ít có cơ hội tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài thì với các hoạt động ngoài trời ngắn hạn, không cần chống nắng một cách quá kỹ lưỡng.
Nguồn và ảnh: Taizhou Evening News, Healthline