Giấc ngủ rất quan trọng với con người. Khi ngủ vào ban đêm, các cơ quan trong cơ thể sẽ tự sửa chữa, chuyển hóa chất thải. Đây cũng là thời điểm cơ thể thoải mái và thư giãn nhất. Tuy nhiên, có số người gặp không ít vấn đề trong khi ngủ. Nếu nhận thấy bản thân có những dấu hiệu sau đây, đó có thể là phản ứng của cơ thể báo hiệu những căn bệnh đang âm thầm hình thành.
1. Khó thở
Nếu là người bình thường, khi đi ngủ cơ thể sẽ ở trong trạng thái thở nhẹ nhàng, êm ái. Nếu khó thở vì bị nghẹt mũi do cảm lạnh, chất lượng giấc ngủ sẽ bị ảnh hưởng ở mức nhất định.
Ngoài ra, một số người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, họ thường tỉnh giấc nhiều lần trong đêm vì đường thở bị tắc nghẽn, gây khó thở đột ngột.
Những người có vấn đề về tim cũng thường khó thở, thở gấp giữa đêm. Bệnh suy tim nếu xảy ra bất ngờ về đêm, có thể gây tử vong nếu không kịp phát hiện kịp thời. Đối với căn bệnh này, nó còn đi kèm với một số triệu chứng khác như sưng mắt cá nhân, khả năng vận động kém…
Bệnh hen suyễn cũng có thể gây khó thở khi ngủ. Khi cơn hen suyễn cấp tính xảy ra, nó khiến người bệnh phải thở dồn dập, tức ngực, khó thở. Lúc này niêm mạc đường hô hấp bị phù nề, chất nhầy tăng, gây cản trở đường hô hấp. Căn bệnh này nếu không được kiểm soát tốt có thể đe dọa tới tính mạng.
2. Ác mộng
Mơ ngủ là hiện tượng sinh lý bình thường. Những giấc mơ sẽ phản ánh tinh thần của một người. Nếu một người thường xuyên gặp ác mộng vào ban đêm, những giấc mơ lặp lại giống nhau, có thể do họ gặp nhiều căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày.
Khi gặp ác mộng, rất khó đi vào giấc ngủ sâu, nếu áp lực không được giải quyết kịp thời, lâu ngày có thể dẫn tới bệnh tâm thần.
3. Chóng mặt
Thỉnh thoảng chóng mặt 1 hoặc 2 lần là hiện tượng bình thường, nhưng nếu bạn thường xuyên cảm thấy hoa mắt, chóng mặt khi thức dậy vào nửa đêm để đi vệ sinh cần phải cẩn trọng.
Bên cạnh đó, rối loạn tiền đình thường xảy ra lúc nửa đêm, rạng sáng. Lúc này, khi tỉnh dậy, người bệnh thường không ngồi dậy được, nếu đứng lên sẽ có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, có thể kèm theo buồn nôn, mất thăng bằng…
Trong trường hợp khác, nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu khi ngủ dậy, có thể là do bị thiếu oxy lên não. Ngoài chóng mặt, cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, uể oải cũng có thể là dấu hiệu của ung thư. Khi các tế bào ung thư phát triển, nó sẽ hút hết các chất dinh dưỡng, khiến cơ thể không có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động.
Chóng mặt khi thức dậy do nhiều nguyên nhân gây ra, để biết chính xác bạn nên đến bệnh viện khám.
4. Chuột rút ở chân
Nếu cơ thể thiếu canxi, bàn chân dễ bị chuột rút. Ngoài ra, khi quá trình tuần hoàn máu của cơ thể diễn ra chậm và độ nhớt của máu cao, nguy cơ tắc nghẽn mạch máu tăng lên sẽ gây ra tình trạng chuột rút. Tình trạng này có thể xảy ra trong khi ngủ.
Ngoài ra, các yếu tố khác gây ra chuột rút trong khi ngủ vào ban đêm như:
- Người ít vận động, cơ bắp không được kéo giãn thường xuyên.
- Tập thể dục quá mức khiến cơ bắp làm việc quá sức.
- Ngồi khoanh chân trong thời gian dài làm co rút cơ bắp chân.
- Đứng trong thời gian dài.
- Rối loạn của các dây thần kinh, gây ra bệnh thần kinh vận động.
- Bệnh Parkinson.
- Rối loạn cơ xương, viêm xương khớp.
- Gan, thận, tuyến giáp có vấn đề.
- Rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường.
5. Nghiến răng
Nghiến răng khi ngủ thường liên quan tới yếu tố căng thẳng hoặc lo lắng. Tình trạng này không phải lúc nào cũng gây ra những thiệt hại cho cơ thể nhưng một số người có thể sẽ bị đau mặt, đau đầu, cứng khớp, làm mòn răng theo thời gian, gián đoạn giấc ngủ.
Hầu hết những người nghiến răng khi ngủ đều không nhận thức được hành động của mình.