Một người đàn ông 51 tuổi họ Giang, sống tại Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) đã òa khóc khi biết mình mắc bệnh tiểu đường giai đoạn 3 khi đi khám hậu môn.
Khoảng 1 tuần trước, ông Giang đột nhiên bị đau rát, ngứa ngáy hậu môn. Vì xấu hổ nên ông quyết định cố gắng chịu đựng chứ không đi khám.
Sau 3 ngày, cơn đau trở nên dữ dội, thường xuyên vệ sinh bằng nước muối ấm vẫn không ngăn được cơn ngứa. Hậu môn của ông không chỉ chảy mủ mà còn đau đến không thể ngồi xuống. Đến ngày thứ 5, tình trạng tệ hơn khiến ông thậm chí còn không thể đứng thẳng người, buộc phải đến Bệnh viện đa khoa Phúc Châu để điều trị.
Bác sĩ Trịnh Ngọc Cầm, Trưởng khoa Hậu môn - Trực tràng là người tiếp nhận trường hợp của ông Giang. Bà cho biết, mặc dù nhìn bằng mắt thường thì hậu môn của bệnh nhân chỉ sưng đỏ, tiết dịch nhẹ nhưng thực chất bên trong có áp xe rất lớn, nghi ngờ không phải viêm nhiễm thông thường.
Bà yêu cầu chụp CT và 1 số kiểm tra chuyên sâu khác mặc dù bệnh nhân liên tục cho rằng đó là mụn mủ thông thường và chỉ muốn xử lý nhanh để về nhà.
Các bác sĩ nội tiết cũng được mời đến, khoảng 30 phút sau thì kết quả chẩn đoán cuối cùng được đưa ra. Ông Giang bị biến chứng tiểu đường, dẫn tới áp xe bên trong hậu môn với kích thước lớn. Viêm nhiễm rất nặng, xuất hiện tình trạng hoại tử mô và phải phẫu thuật ngay nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Giang sững sờ rồi bật khóc. Ông cho biết trước giờ mình hoàn toàn khỏe mạnh, lần khám sức khỏe gần nhất cũng không hề nhận được cảnh báo đường huyết cao hay mắc bệnh tiểu đường. Hơn nữa, ông vẫn không hiểu tại sao bị tiểu đường mà lại gây bệnh ở hậu môn.
Lúc này, bác sĩ Lý Đinh Ninh từ Khoa Nội tiết được chỉ định cùng Trưởng khoa Trịnh tiếp nhận phẫu thuật cho ông Giang. Bác sĩ Lý phải trực tiếp đưa kết quả đo đường huyết cho bệnh nhân, trong đó ghi đường huyết cao tới 26,82 mmol/L, tức cao gấp khoảng 5 lần giá trị bình thường (3,89 - 6,11mmol /L).
Theo giải thích của bác sĩ Lý, bệnh nhân bị áp xe hậu môn vì đã nhiễm toan ceton do đái tháo đường, là 1 biến chứng cấp tính phổ biến sau tiểu đường. Nếu không được điều trị kịp thời, thậm chí có thể xảy ra hôn mê, sốc nhiễm trùng và các tình trạng đe dọa tính mạng khác.
Ông cũng cho biết, thông thường, nhiễm toan ceton sẽ có các triệu chứng như khô miệng, buồn nôn, nôn mửa nhưng ở ông Giang thì chúng không rõ ràng nên khó phát hiện. Ngoài ra, bản thân ông Giang cũng lơ là sức khỏe, đã rất lâu không đi khám sức khỏe định kỳ, lại có thói quen ăn uống thất thường, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh.
Điều tra bệnh sử cho thấy ông rất thích đồ ăn cay, rượu bia và các món nhậu chiên rán. Ông thường bỏ bữa sáng, thích ăn khuya, ăn đồ ngọt trong khi lại ít ăn rau xanh và trái cây. Đặc biệt, trong 3 tháng trở lại đây, ông liên tục ăn các món lẩu cay, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
Tuy khó chấp nhận nhưng sau nhiều nỗ lực giải thích của y bác sĩ và sự động viên của người nhà, cuối cùng bệnh nhân cũng chịu nhập viện điều trị. Trong 3 ngày, các bác sĩ tiến hành loại bỏ ceton trong cơ thể và phẫu thuật hậu môn cho ông Giang. Hiện tại, ông đã được chuyển đến phòng hậu phẫu tại Khoa Nội tiết để theo dõi thêm .
Nguồn và ảnh: Sohu, Eat This, ETtoday