Trước vào viện một ngày, người bệnh thấy bìu hai bên sưng, đau nhiều, khi ngồi và đứng thấy bìu to tăng lên, được người nhà đưa vào TTYT huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ khám.
Ngay lập tức, bệnh nhân được bác sĩ khám và ra chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Kết quả siêu âm, chụp cắt lớp vi tính bụng - tiểu khung cho thấy, vùng bìu hai bên sưng căng, bìu trái sưng to hơn bìu phải, kích thước 10-20cm, có quai ruột qua lỗ bẹn, màng tinh hoàn hai bên có dịch.
Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật tại TTYT huyện Yên Lập, Phú Thọ.
Sau hội chẩn, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân thoát vị bẹn nghẹt trái, tràn dịch màng tinh hoàn 2 bên, chỉ định phẫu thuật cấp cứu để cứu quai ruột, không để lâu gây hoại tử ruột. Sau 1,5 giờ, ca phẫu thuật thành công. 5 ngày điều trị tích cực, hiện, sức khỏe người bệnh ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Theo BSCKI. Trần Văn Thức - Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp - Chuyên khoa, TTYT huyện Yên Lập, Phú Thọ, bệnh lý thoát vị bẹn là loại hay gặp nhất trong các loại thoát vị thành bụng, thể hiện tình trạng một tạng ổ bụng rời khỏi vị trí và chui qua ống bẹn xuống bìu.
Người bệnh thường có cảm giác tức nặng vùng bẹn bìu. Một bên bìu to lên thành khối phồng do ruột ở trên dồn xuống. Vùng bìu càng to hơn khi người bệnh đi lại, chạy nhảy, làm việc nặng, gắng sức; giảm hoặc mất hẳn khi người bệnh nằm nghỉ.
Thoát vị bẹn nghẹt là biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị bẹn khi các tạng trong túi thoát vị bị nghẹt giống như một dây garo thít chặt vào tạng thoát vị gây thiếu máu nuôi dưỡng và dẫn đến hoại tử tạng thoát vị. Ảnh minh hoạ: Internet
Thoát vị bẹn nghẹt là biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị bẹn khi các tạng trong túi thoát vị bị nghẹt giống như một dây garo thít chặt vào tạng thoát vị gây thiếu máu nuôi dưỡng và dẫn đến hoại tử tạng thoát vị.
Người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao nếu đến quá muộn khi bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng từ vùng tạng hoại tử sản sinh ra. Bởi vậy, khi thấy tại vùng bẹn, bìu xuất hiện khối phồng, dùng tay chạm vào khối phồng có cảm giác căng chắc, ấn vào đau, khối phồng thoát vị giữ nguyên kích thước khi ho và rặn; khi dùng tay đẩy và ấn, khối phồng vẫn giữ nguyên vị trí, không dịch chuyển, vùng da ở vị trí thoát vị có màu sẫm hay đỏ hơn so với màu da xung quanh cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Dù đã được điều trị, thoát vị bẹn nghẹt vẫn có thể tái phát. Do đó, để phòng tránh tái phát, BSCKI. Trần Văn Thức khuyến cáo, cần kiểm soát tốt cân nặng, uống nhiều nước, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ để hạn chế tình trạng táo bón, tránh nâng vác vật nặng, hạn chế công việc nặng nhọc hay công việc yêu cầu đứng trong thời gian dài; không hút thuốc lá, thuốc lào để ngăn ngừa tình trạng viêm phế quản mạn tính, gây ho kéo dài.
Duy trì khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát các bệnh lý có nguy cơ, dẫn tới tình trạng thoát vị bẹn.