Trên thực tế, không phải ai cũng biết rằng mật cá chứa nhiều độc tố, có thể gây nguy hiểm tính mạng. Thậm chí, mật cá sống còn được nhiều người truyền tai nhau là bài thuốc dân gian trị đủ thứ bệnh.
Gần đây, một người phụ nữ ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy gan vì ăn mật cá sống. Được biết, vì muốn bồi bổ cho chồng và các con nên cô đã mua 1 con cá chép lớn.
Trong lúc đang mổ cá, chồng cô đi ngang qua khu bếp và nhìn thấy túi mật của con cá này rất lớn. Anh ta buột miệng nói rằng từng nghe nhiều người truyền tai là mật cá sống có thể cải thiện thị lực, giải độc, tăng cường sinh lý, bồi bổ cơ thể, tốt cho tiêu hóa và còn có thể giảm các bệnh phụ khoa.
Cô này nghe vậy liền rửa sạch rồi nuốt sống cả túi mật cá lớn vào bụng. Bữa tối hôm đó cô bày 1 mâm cơm thịnh soạn với rất nhiều món cá. Cả gia đình vừa ăn uống vừa xem tivi rất vui vẻ. Chồng và con còn liên tục khen cô nấu ăn giỏi, cá chép hôm nay rất tươi, thịt mềm và ngọt nên ăn món nào cũng ngon.
Đến khi chuẩn bị đi ngủ, người chồng vào nhà vệ sinh thì thấy cô đang nôn mửa, đau bụng dữ dội. Anh ta hốt hoảng gọi xe cấp cứu đưa vợ đến bệnh viện.
Dựa vào triệu chứng, bác sĩ cho rằng cô bị ngộ độc thực phẩm. Nhưng người chồng cho biết bữa tối của họ không có gì bất thường. Sau khi đột nhiên nhớ ra chuyện về túi mật cá trong bếp, anh ta lập tức báo cho bác sĩ.
Bác sĩ thực hiện xét nghiệm máu gấp và kết luận cô bị suy gan cấp tính nguy hiểm tính mạng. May mắn là cô được đưa đến bệnh viện kịp thời và tìm ra nguyên nhân chính xác nên việc điều trị cũng có hiệu quả tốt. Hiện nay cô đã được chuyển sang phòng bệnh thường và hồi phục sức khỏe rất nhanh.
Mật cá càng lớn độc tố càng nhiều!
Ở nhiều nơi, nhất là các vùng nông thôn vẫn còn truyền tai nhau về “bài thuốc trị bách bệnh” từ mật cá sống. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng đến nay vẫn chưa hề có công bố khoa học nào về công dụng của mật cá với sức khỏe. Ngược lại, hàng năm có rất nhiều ca nhập viện cấp cứu do ăn mật cá.
Xét trên các ca bệnh lâm sàng, ngộ độc mật cá cũng chỉ mới gặp ở các loại cá nước ngọt. Thực tế, các loại mật cá dòng cá chép như cá trắm, cá trôi, cá chép, cá hô, cá éc đều có thể gây ngộ độc. Cá càng to thì khả năng gây ngộ độc càng nhiều. Ví dụ như 1 con cá trôi chỉ nặng 0,5kg nhưng khi uống mật cá cũng gây suy thận cấp. Mật của cá trắm từ 3kg trở lên chắc chắn gây ngộ độc và có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Độc tố trong mật cá được các nhà khoa học xác định là Cyprinol sulfat, một acid mật C27. Chất độc này thậm chí còn được so sánh là độc hơn cả thạch tín. Khi vào cơ thể người gây độc tới các cơ quan nội tạng, cơ quan sinh sản và máu.
Dấu hiệu ngộ độc mật cá thường xuất hiện trong khoảng 2 - 14 giờ sau khi ăn. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân bị đau bụng, nôn, đại tiện lỏng, nhưng tiểu tiện vẫn bình thường. Trường hợp nặng, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo và tiêu chảy rất nhiều.Tiếp theo đó là tiểu tiện ít, phù do suy thận cấp. Có những trường hợp rất nặng, bệnh nhân không có nước tiểu, phù to, khó thở, hôn mê và tử vong.
May mắn là độc tố chỉ có trong mật, gan và tụy của cá; không có trong thịt cá nên chỉ cần chú ý khi chế biến là có thể tránh được. Đặc biệt, độc tố trong mật cá rất bền đối với nhiệt, bạn vẫn có thể bị ngộ độc sau khi ăn mật cá đã nấu chín. Vì vậy, cách tốt nhất là vứt bỏ hoàn toàn mật cá và khéo léo khi sơ chế sao cho mật không bị vỡ ra, ảnh hưởng tới các phần còn lại của con cá.
Nguồn và ảnh: Topick, Family Doctor, Eat This