Ngoài 30 tuổi nhưng cô Chu thường được khen là trẻ hơn tuổi thật rất nhiều, nhất là làn da trắng mịn và căng bóng. Nếu có ai hỏi bí quyết, cô chỉ nói chung chung là mình chăm da kỹ, luôn ăn kiêng giữ dáng mà không muốn tiết lộ.
Cho đến 5 tháng trước, cô nhận ra chu kỳ kinh nguyệt của mình có nhiều bất thường. Lúc đầu, kinh nguyệt của cô Chu liên tục đến muộn, thất thường khó tính được ngày. Sau đó, lượng kinh nguyệt giảm đi rất nhiều, màu kinh nguyệt đậm hơn trước, cân nặng cũng sụt giảm nhanh. Lúc này cô tự trấn an là do mình làm việc quá sức, lại bắt đầu có tuổi nên càng cố gắng tìm cách bổ sung dinh dưỡng, cân bằng nội tiết tố.
Hai tháng gần nhất, thời gian hành kinh của cô Chu đột nhiên kéo dài bất thường từ khoảng 4 ngày lên tận 7 - 10 ngày. Đồng thời cô bị đau bụng dưới dữ dội, đau lan xuống vùng chậu và thắt lưng nên quyết định đi khám.
Người phụ nữ hối hận khi mắc ung thư vì lạm dụng estrogen để dưỡng da (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Weng Qiao thuộc Bệnh viện Tháp Trống Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc) cho biết: “Bệnh nhân đến khám vì cho rằng mình bị tiền mãn kinh và hỏi có cách nào trì hoãn mãn kinh không. Sau khi phân tích triệu chứng, chúng tôi quyết định siêu âm B và phát hiện nội mạc tử cung dày bất thường, có các khối u. Sinh thiết chỉ ra bệnh nhân bị ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 3 kèm theo rối loạn nội tiết tố.
Cụ thể, nội tiết tố estrogen của bệnh nhân dư thừa quá mức. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới hình thành khối u ác tính ở tử cung trong trường hợp này. Bệnh nhân có làn da và vóc dáng trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật, nên chúng tôi đã lưu ý hỏi về thói quen làm đẹp khi điều tra bệnh sử. Kết quả, bệnh nhân thật sự đã lạm dụng các thực phẩm và thực phẩm chức năng có chứa estrogen trong hơn 4 năm với mục đích duy trì sự trẻ trung”.
Cô Chu nghe bác sĩ phân tích xong thì ôm mặt khóc vì hối hận. Cô cho biết, bước qua tuổi 30 là mình bắt đầu lo lắng vì lão hóa và mãn kinh. Mặc dù vốn có ngoại hình trẻ hơn tuổi, chăm thể dục và ăn kiêng nhưng làn da vẫn có những thay đổi theo tuổi tác.
Đúng lúc này, cô vô tình gặp lại một người bạn học cũ làm trong ngành thẩm mỹ và được khuyên nên bổ sung nhiều estrogen. Cư như vậy, cô Chu bắt đầu điên cuồng sử dụng các mỹ phẩm có chứa estrogen. Thấy chưa đủ, cô cố gắng ăn thực phẩm giàu estrogen như đậu, sữa ong chúa… hàng ngày. Đồng thời dùng nhiều loại thực phẩm chức năng bổ sung estrogen, được quảng cáo làm chậm lão hóa khác nhau.
Cô không ngờ rằng, kiểu chăm da, làm đẹp này lại khiến mình đối mặt với nguy hiểm tính mạng bởi bệnh ung thư. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u thành công, hiện cô vẫn đang hóa trị bổ sung tại bệnh viện.
Bác sĩ Weng chia sẻ, các trường hợp phải gánh hậu quả do bổ sung estrogen một cách bừa bãi, phản khoa học không hề thiếu. Nhất là trong xã hội hiện đại khi quá nhiều thông tin chưa được kiểm chứng tràn lan trên mạng, các chiêu trò quảng cáo luôn thổi phồng công dụng của sản phẩm/dịch vụ làm đẹp.
Bà nhấn mạnh:“Mặc dù estrogen là hormone chính, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe, sinh lý bình thường của phụ nữ, nhưng dù thiếu hay thừa đều gây tổn hại cho cơ thể. Buồng trứng sẽ tiết ra estrogen, đủ cho nhu cầu bình thường của cơ thể và sẽ suy giảm theo quá trình lão hóa. Việc bổ sung estrogen ngoại sinh gần như không có nhiều tác dụng trong việc giúp bạn trông trẻ hơn, chủ yếu chỉ tác động tới làn da ở mức độ nhất định.
Ngay cả với da, nếu bổ sung quá nhiều sẽ phản tác dụng như khô da, viêm da, mụn trứng cá, nhạy cảm bất thường… Chưa kể bổ sung bằng đường bôi là không hiệu quả, chưa được khoa học chứng minh”.
Bổ sung estrogen quá mức không chỉ phản tác dụng với da mà còn gây ra nhiều bệnh tật (Ảnh minh họa)
Bởi vì theo bác sĩ Weng, bổ sung estrogen hay bất cứ một loại hormone nào một cách bừa bãi, quá mức đều có tác dụng phụ và gây hại cho cơ thể. Với estrogen, quá nhiều có thể kích thích tăng sản vú và gây ra các nốt sần ở vú. Nó cũng có thể gây ra u xơ tử cung và tăng sản nội mạc tử cung quá mức. Thậm chí lâu ngày có thể dẫn tới ung thư nội mạc tử cung, tăng tỷ lệ ung thư vú cùng rối loạn kinh nguyệt, vấn đề liên quan tới rối loạn nội tiết khác.
“Ngoài việc làm tăng tỷ lệ tổn thương ở vú và tử cung, việc sử dụng quá mức các sản phẩm chăm sóc da, thực phẩm chứa estrogen cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận và các cơ quan khác. Trừ một số trường hợp bệnh lý thực sự cần bổ sung nhân tạo và quá trình này cần thăm khám, có chỉ định cũng như theo dõi của bác sĩ” - bà nhắc nhở thêm.
Nguồn và ảnh: Ziniu News, Women’s Health