Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân T.T.H. (47 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) để điều trị theo phác đồ gồm hóa trị, xạ trị, và phẫu thuật cắt tử cung. Trước đó, suốt 5 năm, chị H. không đi khám phụ khoa. Gần đây, khi thấy khí hư và tình trạng ra máu bất thường, nhất là sau quan hệ, chị quyết định kiểm tra và được chẩn đoán ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung cho thấy sự hiện diện của tế bào ung thư biểu mô vảy
Qua khai thác bệnh sử, chị H. cho biết trong 5 năm qua, sau khi sinh con, chị không đi khám phụ khoa vì chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, không có triệu chứng bất thường. Chị chưa tiêm vắc-xin HPV và gia đình không có tiền sử bệnh lý bất thường.
Qua các xét nghiệm và thăm dò chức năng, kết quả cho thấy cổ tử cung của chị H. bị viêm lộ tuyến, tổn thương dạng sùi, dễ chảy máu khi chạm vào. Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung (Thinprep và HPV) cho thấy chị H. dương tính với HPV type 16 - chủng virus có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ tiếp tục chỉ định soi cổ tử cung, kết quả ghi nhận hình ảnh lát đá ở vị trí 7h và vùng trắng ở cả hai môi cổ tử cung. Kết quả sinh thiết cuối cùng xác nhận chị H. mắc ung thư biểu mô vảy cổ tử cung giai đoạn 2.
BSCKI. Dương Ngọc Vân, chuyên gia sản khoa, cho biết ung thư cổ tử cung thường diễn tiến âm thầm, khiến nhiều phụ nữ không chú ý đến sức khỏe vùng kín. Các triệu chứng điển hình xuất hiện khi khối u phát triển gồm: chảy máu âm đạo bất thường, dịch âm đạo bất thường, đau khi giao hợp, đau vùng chậu, khó chịu khi đi tiểu, kinh nguyệt kéo dài, đi tiểu liên tục, giảm cân không rõ nguyên nhân, và đau chân.
Bác sĩ Vân khuyến cáo chị em phụ nữ khi thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào nên tới khám để được chẩn đoán chính xác, tránh bỏ qua cơ hội điều trị hiệu quả. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nữ giới từ 21 tuổi trở lên, nhất là người đã quan hệ tình dục, cần xét nghiệm HPV định kỳ tối thiểu 5 năm/lần để phát hiện sớm các chủng virus HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.