Số ca nhiễm virus Corona và số ca tử vong tại Trung Quốc không ngừng tăng lên.
Tại Việt Nam, đến ngày 2/2, Bộ Y tế đã xác nhận có 7 ca dương tính với virus Corona.
Vậy, làm thế nào để phân biệt được sốt, ho, khó thở do bệnh lý bình thường hay do Corona để người dân đi xét nghiệm?
Trả lời điều này, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, có rất nhiều bệnh lý khác nhau có thể có biểu hiện ho, sốt. Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus Corona mới cũng gồm ho, sốt, đau đầu, đau mỏi người. Vì thế, về mặt lâm sàng không thể phân biệt được các bệnh này mà phải dựa vào yếu tố dịch tễ, xét nghiệm.
Nếu không có yếu tố dịch tễ như đi từ vùng có dịch về hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc đã xác định nhiễm nCov thì khi có các biểu hiện trên bạn có thể đến đến các cơ sở y tế khám, sàng lọc các bệnh thông thường.
“Bệnh nhân nhiễm virus Corona mới nếu diễn biến thông thường thì sẽ tự khỏi bệnh sau 5-7 ngày. Tuy nhiên có một số bệnh nhân có thể có tổn thương phổi nặng đòi hỏi phải sử dụng các biện pháp can thiệp hỗ trợ nên bắt buộc phải điều trị tại cơ sở y tế”, BS Cấp nói.
Cũng theo chuyên gia về truyền nhiễm, các thống kê hiện tại cho thấy trong số 3 dịch do virus Corona tương tự gây ra là SARS, Mers-Cov và nCov thì Mers-Cov có tỷ lệ tử vong cao nhất khoảng 35%, với SARS tỷ lệ tử vong này là 9%, còn với nCov trong nhóm bệnh nhân ban đầu tỷ lệ tử vong khoảng 3-4%.
Có nghĩa là sơ bộ ban đầu thì nCoV có nguy cơ tử vong thấp hơn với hai bệnh kia. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong hoàn toàn có thể thay đổi phụ thuộc vào khả năng chẩn đoán và điều trị của ngành y tế cũng như phụ thuộc vào sức khỏe cơ địa của nhóm bệnh nhân.
Hiện tại BV Nhiệt đới Trung ương, số người trong diện giám sát cách ly vẫn nhiều nên bệnh viện vẫn triển khai tích cực các hoạt động cách ly, giám sát và điều trị.
Bệnh viện đã có những kế hoạch đáp ứng ở những mức độ khác nhau nên nếu dịch bùng phát ở mức độ lớn hơn thì bệnh viện cũng sẽ chủ động để đáp ứng kịp thời. Khó khăn chính trong công việc chống dịch là hiện một số người dân đang lo lắng thái quá nên dù không có các yếu tố nguy cơ nhưng vẫn cứ đến bệnh viện xin xét nghiệm. Điều này dân đến sự quá tải với nhân viên y tế và tăng nguy cơ lây nhiễm chéo với người bệnh.
Một số bệnh nhân cách ly không hợp tác, đòi hỏi thái quá dẫn đến sự mệt mỏi, ức chế với nhân viên y tế.
Do đó, BS Cấp khuyến cáo, những trường hợp được coi là nghi ngờ nhiễm là các biểu hiện sốt, ho, có thể khó thở và có một trong các yếu tố dịch tễ sau: Có tiền sử đến/ở/về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh Hoặc tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Khi đó bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn. Trong trường hợp cần thiết cơ sở y tế sẽ tiến hành cách ly, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.