Nặn mụn thực chất không phải là một việc có thể làm tùy tiện, nhất là khi mụn mọc tại một số khu vực được xem là "hiểm". Ví dụ như trường hợp mới được cô gái Katie Wright chia sẻ trên Twitter, cô suýt chút nữa đã phải trả giá đắt chỉ vì nặn một cái mụn khổng lồ giữa 2 chân mày.
Cụ thể, Wright đã quyết định nặn một cái mụn khá lớn mọc ngay sát chân mày đã khiến cô đau đớn suốt vài ngày. Có điều chỉ sau vài giờ nặn, cô đã khiến mọi chuyện trở nên tệ hơn. Vết thương sưng lên nhanh chóng, và nó đau đến mức theo lời cô là "không thể chịu đựng nổi", buộc cô phải tới bệnh viện xử lý.
Katie Wright và vết nặn mụn khiến cô phải hối hận.
Cái mụn trứng cá đơn thuần của Katie Wright thực chất là một ca viêm mô tế bào - một dạng nhiễm trùng lên các mô sâu dưới da. Và việc nặn mụn đã khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn.
May mắn cho Katie, cô đã được chữa lành sau 4 ngày điều trị. Nhưng theo bác sĩ Jessica Krant thuộc Bệnh viện ĐH New York thì đây là một chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu để lâu, nội tạng có thể bị hủy hoại, thậm chí khiến người bệnh tử vong.
Mụn là một trong những vấn đề về da phổ biến, thường gặp và gây nhiều phiền toái cho mọi người. Mụn không gây nguy hiểm về sức khỏe nhưng tác động mạnh mẽ đến tâm lý, dễ gây nên trạng thái tự ti, mặc cảm và căng thẳng.
Phần lớn ý kiến cho rằng mụn xuất hiện nhiều nhất ở tuổi dậy thì, song sự thật là ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị mụn. Bên cạnh điều trị bằng thuốc theo khuyến nghị của bác sĩ da liễu, sử dụng mỹ phẩm trị mụn, nặn mụn cũng là phương pháp góp phần loại bỏ mụn nhanh chóng.
Tuy nhiên, lời khuyên từ các bác sĩ là không nên nặn mụn tại nhà mà bạn thường nghe là do việc nặn mụn không thể áp dụng cho mọi loại mụn. Bên cạnh đó, kỹ thuật nặn mụn đòi hỏi sự chính xác và khéo léo nhằm không khiến vùng da có mụn bị tổn thương, tạo thành vết thâm hay sẹo khó phục hồi.
Mặc dù vậy, một số loại mụn sau đây bạn có thể nặn để loại bỏ và giúp quá trình trị mụn diễn ra nhanh chóng hơn:
- Mụn ở dạng nhẹ, không đau, không có dấu hiệu viêm hay mủ.
- Mụn mọc riêng rẽ, không mọc thành đám, có kích thước nhỏ.
- Mụn có phần nhân trồi lên sớm.
- Mụn mọc ở ngoài những vị trí nguy hiểm.
Thời điểm nặn thích hợp là khi thấy đầu mụn đã khô, có nhân cứng trồi lên ở trung tâm mụn hoặc mụn chín có màu vàng.
Những loại mụn không nên nặn
- Mụn đinh râu: Mụn đinh râu có dạng nhọt, thường sưng to, rất đau và có ngòi mụn ở đầu. Nặn mụn đinh râu có thể làm vi khuẩn xâm nhập vào tĩnh mạch, gây nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
- Mụn rộp: Trừ khi bạn định truyền cảm hứng cho cả một đội quân vi-rút, còn lại đừng nghĩ đến việc chạm vào chúng - cho dù có bao nhiêu vết mụn rộp đi nữa.
Nặn một vết mụn rộp này có thể dễ dàng dẫn đến sự hình thành của một vết khác vì trong mụn nước chứa vi-rút có thể dễ dàng lan sang các khu vực khác.
Những vết mụn rộp nhỏ có thể tự lành nhờ thuốc thông thường. Nhưng nếu bạn nhận thấy vết mụn rộp xuất hiện thường xuyên hơn (hoặc lan rộng thành những vùng lớn hơn), thì nên đi khám bác sĩ để được điều trị chuyên khoa. Ngoài ra, tránh tiếp xúc thân mật với người khác - cho đến khi vết mụn rộp hết hẳn để tránh lây lan thêm.
- Sợi bã nhờn: Sợi bã nhờn là những tia nhỏ có màu trắng, thường thấy nhiều trên các vùng da như cánh mũi, cằm. Thực chất, sợi bã nhờn là thành phần thiết yếu của da, chúng ta không nên tìm cách loại bỏ chúng hoàn toàn. Làm sạch da đúng cách và tẩy da chết 1 – 2 lần/tuần sẽ giúp hạn chế tình trạng sợi bã nhờn dư thừa gây mất thẩm mỹ.
- Mụn thịt: Nếu bạn thấy một nốt sưng nhỏ được gọi là mụn thịt trên mặt mà nhất định không chịu vỡ (bất kể bạn cố gắng thế nào), thì hãy yên tâm.
Mụn thịt thực sự không phải là bụi bẩn, chất nhờn, hay cáu ghét - đó là một u nang nhỏ, vô hại. Việc cậy chúng thường rất ít hoặc không hiệu quả và cố gắng cậy có thể khiến da bị đỏ, kích ứng và viêm, với mụn thịt vẫn còn nguyên vẹn.
Các chuyên gia khuyên nếu mụn thịt làm phiền bạn, hãy sắp xếp một cuộc hẹn với bác sĩ da liễu, bác sĩ có thể "tẩy" nó ra bằng một dụng cụ chuyên dụng. Bạn cũng có thể sử dụng kem retinoid để giúp làm mềm chúng nhanh hơn, mặc dù mụn thịt thường tự hết.
- Mụn trứng cá ác tính: Mụn trứng cá loại này thường xuất hiện đột ngột, mụn thường to và đau, kèm theo tình trạng viêm, sốt nhẹ.
- Mụn mọc ở những vị trí nguy hiểm: Mụn ở những vị trí nguy hiểm như khóe mắt, chóp mũi, trên môi, cằm… nên tránh tự ý nặn. Bởi những vị trí này thường chứa những huyệt đạo quan trọng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.