Các nhà khoa học chỉ ra quả hồng giàu glucose, protein, fructose, vitamin C, citrulline, iot, canxi, photpho, sắt. Lượng vitamin trong hồng cao gấp đôi so với các loại trái cây khác như táo. Ngoài ra, lá hồng còn có thể làm thuốc, giúp hạ huyết áp cao, ngăn ngừa bệnh tim mạch…
Người răng yếu và tiêu hóa kém nên hạn chế ăn hồng giòn. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trong thành phần của quả hồng còn có chứa chất tannin - chất chát và chất pectin. Khi ăn hồng xanh hoặc độ chín chưa tới, người ăn thường thấy có vị chát. Tannin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Ăn quá nhiều, nhất là lúc đói thì các chất tannin, pectin cộng với hàm lượng chất xơ trong quả hồng sẽ kết tụ dưới tác dụng của acid dạ dày; dễ khiến đầy bụng, khó tiêu, thậm chí vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non và hình thành sỏi dạ dày.
Nếu không được đào thải ra ngoài theo đường tự nhiên, sỏi dạ dày có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, làm xuất hiện các triệu chứng như đau quặn bụng trên, nôn mửa.
Vì vậy, ngoài việc không ăn hồng vào lúc đói, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần tránh những điều sau đây:
Ảnh minh họa
Không ăn cùng thực phẩm giàu đạm
Nếu đã ăn những món ăn giàu đạm như tôm, cua, thịt ngỗng… thì tốt nhất không nên ăn hồng, vì chất tannin và các thành phần khác trong quả hồng có thể làm cho protein trong thịt cua rắn lại, chất rắn đó lâu dần sẽ vón cục thành bã thức ăn, có thể gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Nặng hơn nữa, những chất đó còn có thể kết thành sỏi rất nguy hiểm đối với sức khỏe.
Không ăn khi bị táo bón
Đối với người hay táo bón, hệ tiêu hóa không tốt; trẻ nhỏ ăn vội, nhai không kỹ hoặc người đã có tổn thương ruột, có tiền sử phẫu thuật ở vùng bụng, đặc biệt là dạ dày thì không nên ăn loại trái này. Nếu có ăn cũng nên ăn ít hoặc chuyển sang ăn hồng chín sẽ tốt hơn.
Không ăn hồng giòn nếu răng yếu
Người cao tuổi răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm nên khi ăn quả hồng sẽ càng làm cho nhu động ruột chậm hơn. Thực phẩm dễ tạo thành những cục đông vón thành bã thức ăn, khi không thải được ra ngoài dễ làm tắc ruột. Vì vậy, với người cao tuổi nếu muốn ăn chỉ nên ăn hồng mềm và tránh hồng giòn.
Không ăn khi mắc một số bệnh
Quả hồng có tính hàn nên người mắc bệnh dạ dày, tiêu chảy, thiếu máu sau sinh, cảm lạnh không nên ăn nhiều. Hàm lượng đường trong quả hồng ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh tiểu đường, bệnh dạ dày mạn tính. Tanin trong hồng có thể làm cản trở việc hấp thụ sắt của cơ thể, không thích hợp cho người đang điều trị thiếu máu.
Lưu ý: Không ăn hồng khi chưa gọt vỏ vì vỏ là phần tập trung phần lớn tanin. Ngoài ra cần lưu ý không ăn quá nhiều, tốt nhất, mỗi lần ăn hồng, bạn không nên ăn quá 200g.