Lịch trình ngủ không đều đặn và nguy cơ tử vong
Một nghiên cứu kéo dài 7 năm với đối tượng là những người trong độ tuổi trung niên trở lên đã chỉ ra rằng những người có lịch trình ngủ không đều đặn có nguy cơ tử vong do ung thư và bệnh tim cao hơn so với những người có lịch trình ngủ đều đặn.
Trước đây, các nhà khoa học trước đây đã phát hiện ra rằng thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu lịch trình ngủ không đều đặn có thể gây ảnh hưởng tương tự đến tỷ lệ tử vong hay không. Nhưng trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng lịch trình ngủ không đều đặn có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng lịch trình ngủ không đều đặn có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Tác giả của nghiên cứu, PGS Matthew Pase - giảng viên tâm lý học tại Đại học Monash, Úc cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi tiến hành xem xét lịch trình ngủ không đều có ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Theo đó, chúng tôi nhận thấy, lịch trình ngủ đều đặn có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong và sẽ không phụ thuộc vào tổng thời gian ngủ”.
PGS Pase và các đồng nghiệp đã tiến hành theo dõi gần 90.000 người trong độ tuổi từ 40-70 tại Anh thông qua việc đeo thiết bị theo dõi chuyển động trên cổ tay trong khoảng 1 tuần.
Bằng cách sử dụng mô hình thống kê để ước tính thời điểm người tham gia nghiên cứu đi ngủ hoặc thức dậy từ dữ liệu chuyển động được ghi lại, các nhà nghiên cứu đã tính điểm số giấc ngủ cho những người tham gia.
Trong khoảng 7 năm kể từ khi nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập dữ liệu, có 3.010 người tham gia đã tử vong. Những người có điểm số giấc ngủ thấp (có thời gian ngủ và thức dậy mỗi ngày không giống nhau) có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 46% so với những người có điểm số giấc ngủ ở mức trung bình.
Trong số những người tử vong, có 1.701 người đã chết vì ung thư và 616 người chết vì bệnh tim mạch. Theo đó, những người có điểm số giấc ngủ đều đặn thấp có nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn 33% và nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 73% so với những người có điểm số trung bình.
PGS Pase lý giải: “Sự thay đổi thời gian ngủ và thức giấc có thể làm gián đoạn quá trình sửa chữa các mô và quá trình trao đổi chất của cơ thể. Do đó, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Ngược lại, những thay đổi về lịch trình ngủ cũng có thể là do sự phát triển của bệnh ung thư và bệnh tim mạch”.
Sự thay đổi thời gian ngủ và thức giấc có thể làm gián đoạn quá trình sửa chữa các mô và quá trình trao đổi chất của cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính.
Tuy nhiên, chuyên gia Pase cho biết, nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế do các nhà nghiên cứu chỉ dựa vào việc theo dõi chuyển động để ước tính thời gian ngủ và thức của người tham gia. Vì vậy, nhóm nghiên cứu không thể phân biệt cụ thể giữa thời điểm người tham gia thực sự ngủ và thời điểm họ đang nằm yên.
“Nếu chúng tôi có thể tăng độ chính xác của các dữ liệu nghiên cứu, chúng tôi có thể đưa ra kết quả nghiên cứu chính xác hơn”, PGS Pase nói.
Làm thế nào có lịch trình ngủ đều đặn hơn?
Tiến sĩ Johan Meurling, chuyên gia chuyên điều trị cho những người bị chứng rối loạn giấc ngủ đã đề xuất một số mẹo nhằm giúp mọi người đi ngủ và thức dậy đúng giờ hơn. Các giải pháp bao gồm:
- Đặt đồng hồ báo thức để thức dậy cùng một thời điểm vào các ngày trong tuần (kể cả cuối tuần);
- Tránh ngủ trưa quá lâu;
- Không sử dụng các thiết bị điện tử khi nằm ở trên giường;
- Tập thể dục trong ngày nhưng cần lưu ý không tập trong vòng 2 tiếng trước khi đi ngủ;
- Tránh dùng caffeine sau 3 giờ chiều.